Cherry Lin đăm chiêu vuốt ve bộ quần áo trẻ sơ sinh. Cô sợ rằng nó có thể đã quá nhỏ với đứa con trai chào đời cách đây 3 tháng mà cô còn chưa được gặp mặt.

Lin là một trong hàng trăm bà mẹ Trung Quốc bị chia tách khỏi những đứa con được sinh ra nhờ dịch vụ mang thai hộ ở nước ngoài sau khi biên giới đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Trung Quốc đã cấm tất cả hình thức mang thai hộ vào năm 2001 do lo ngại phụ nữ nghèo bị bóc lột. Nhưng với 35.000 USD - 75.000 USD, các cặp vợ chồng vẫn có thể tìm người mang thai hộ ở nước ngoài, từ Lào, Nga cho đến Ukraine, Mỹ...

Tuy nhiên, dịch vụ đẻ mướn này đang rơi vào hỗn loạn bởi đại dịch. Biên giới đóng cửa, các chuyến bay bị hủy, visa bị thu hồi khiến trẻ sơ sinh mắc kẹt ở nước ngoài, chờ đợi bố mẹ đẻ tại Trung Quốc đón về. Theo giới chức Nga và Ukraine, hàng chục trẻ sơ sinh đã được tìm thấy trong các trại trẻ mồ côi và căn hộ.

Những khó khăn của dịch vụ mang thai hộ xuyên biên giới còn làm hồi sinh thị trường chợ đen ở đất nước tỷ dân.

mang thai ho nuoc ngoai anh 1

Các y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại khách sạn Venice ở Kiev vào tháng 5. Hơn 100 đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ đang bị mắc kẹt ở Ukraine. Ảnh:AFP.

“Không khác gì cơn ác mộng”

Lin, người đã chọn mang thai hộ sau vài lần sẩy thai, cho biết: “Tôi không thể ngủ khi nghĩ rằng con mình đang mắc kẹt trong trại trẻ mồ côi”.

Đứa con của cô được sinh ra ở Saint Petersburg vào tháng 6, 3 tháng sau khi Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc để hạn chế sự lây lan của Covid-19. “Chúng tôi không biết mình phải đợi bao lâu”, cô thừa nhận.

Sau khi Trung Quốc bỏ quy định một con vào năm 2016, thu nhập tăng, tỷ lệ vô sinh cao và mong muốn sinh con trai của các cặp vợ chồng quá tuổi sinh đẻ đã thúc đẩy nhu cầu mang thai hộ ở nước ngoài.

Lin, luật sư 38 tuổi, và chồng cô đã đến Nga vào năm ngoái để làm thụ tinh ống nghiệm và ký hợp đồng với một công ty mang thai hộ. Sau khi xác nhận có thai, cô đã mua sắm các sản phẩm dành cho trẻ em và thậm chí còn tham gia một khóa sơ cứu trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, kế hoạch hoàn toàn phá sản vì đại dịch. Lin giờ đây chỉ có thể theo dõi con trai vừa chào đời thông qua các hình ảnh, video mà công ty mang thai hộ cung cấp. “Đó không khác gì cơn ác mộng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Nga tại Bắc Kinh đã không trả lời các câu hỏi của AFP về việc họ đang làm gì để giúp các bậc cha mẹ Trung Quốc đưa con về nước.

Và cũng không có bất kỳ số liệu chính thức nào về trẻ em Trung Quốc được sinh ra nhờ mang thai hộ đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, một đoạn video được đăng tải vào tháng 6 bởi dịch vụ đẻ mướn BioTexCom ở Ukraine cho thấy hàng chục trẻ sơ sinh phải trú ngụ trong khách sạn, nhà nghỉ. Người phát ngôn của BioTexCom cho biết gần một nửa trong số 46 trẻ sơ sinh thuộc về khách hàng Trung Quốc.

mang thai ho nuoc ngoai anh 2

Trẻ sơ sinh được sinh ra nhờ dịch vụ mang thai hộ quốc tế mắc kẹt ở nước ngoài do đại dịch. Ảnh:Guardian.

Sau vụ việc, các nhà chức trách nói rằng đã cấp giấy phép đặc biệt cho cha mẹ ruột nhận con từ nước ngoài bất chấp việc đóng cửa biên giới.

Thế nhưng, điều đó là chưa đủ đối với Li Mingxia, người có con trai được sinh ra vào tháng 5 ở Kiev. Yêu cầu kiểm dịch và các chuyến bay không thường xuyên khiến Li khó có thể gặp con trước tháng 12/2020.

“Tôi sẽ rất nhớ 6 tháng đầu đời của con nhưng không thể lấy lại được khoảng thời gian đó”, cô nói.

Hầu hết trẻ sinh ra ở nước ngoài không có giấy khai sinh vì cha mẹ ruột chưa thể làm các xét nghiệm ADN cần thiết để chứng minh huyết thống. Cảnh sát Nga và Ukraine đã bắt đầu truy quét những điểm giữ trẻ sơ sinh không có giấy tờ trong bối cảnh lo ngại về nạn buôn người.

Dmitriy Sitzko, Giám đốc tiếp thị Trung Quốc của Trung tâm bảo vệ thai nhi Vera ở Saint Petersburg, người đã làm việc với Lin, nói: “Khi cảnh sát tìm thấy nhiều trẻ em Trung Quốc không có giấy khai sinh, sống trong một căn nhà với người lạ, họ sẽ bị nghi ngờ những đứa trẻ này bị bán để lấy nội tạng”.

Thông qua công ty ở nước ngoài, Lin đã tìm thấy một trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý và được gửi con miễn phí. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Theo ông Sitzko, một số điểm giữ trẻ ở Nga có thể lấy phí 7.000 nhân dân tệ - 21.000 nhân dân tệ (1.000 USD - 3.000 USD) mỗi tháng.

Trẻ sơ sinh ở chợ đen

Gần 1/4 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc bị vô sinh, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2017.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng ô nhiễm ở mức độ cao làm giảm khả năng sinh sản của nam giới, trong khi phụ nữ ngày càng trì hoãn việc có con do chi phí sinh hoạt, chăm sóc trẻ em cao, chính sách thai sản hạn chế.

Mang thai hộ được lựa chọn khi các phương pháp điều trị sinh sản không có tác dụng hoặc các cặp vợ chồng không thể mang thai.

Những ngôi sao như Elton John, Cristiano Ronaldo, Nicole Kidman và Kim Kardashian đều từng thuê người mang thai hộ. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Liên Hợp Quốc cảnh báo việc mang thai hộ có nguy cơ biến trẻ em thành “hàng hóa” và kêu gọi những nơi hợp pháp hóa dịch vụ này cần có quy định chặt chẽ hơn.

“Trẻ em không phải là hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhà nước có thể bảo đảm hoặc cung cấp. Họ là những con người có quyền”, Maud de Boer-Buquicchio, báo cáo viên đặc biệt về buôn bán và bóc lột tình dục trẻ em, viết trong một báo cáo năm 2018.

Chỉ một số quốc gia cho phép mang thai hộ quốc tế. Các cuộc phỏng vấn của AFP với 15 nhà cung cấp dịch vụ mang thai hộ cho thấy chi phí mang thai hộ khoảng 35.000 USD - 50.000 USD ở Ukraine và Georgia, 73.000 USD ở Nga, 200.000 USD ở California - một trong số ít bang của Mỹ cho phép mang thai hộ.

Các quốc gia Đông Âu như Nga, Ukraine và Belarus là những điểm đến hàng đầu của các cặp vợ chồng Trung Quốc muốn tìm người mang thai hộ vì chi phí thấp hơn.

Tại châu Á, Lào là quốc gia duy nhất cho phép mang thai hộ quốc tế sau khi Thái Lan và Ấn Độ - những điểm nóng lâu nay - đưa ra lệnh cấm.

Ngay cả ở Nga và Ukraine, vẫn có rất nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối dịch vụ này. Các chính trị gia và nhà hoạt động xã hội cảnh báo rằng phụ nữ và trẻ em đang bị bóc lột bởi những người nước ngoài giàu có.

Nhưng những hạn chế đi lại trong mùa dịch đã khiến ngành công nghiệp này tạm dừng. Thay vào đó, mọi người đang chuyển sang thị trường chợ đen địa phương.

Shenzhou Zhongtai, một công ty ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), tiết lộ với AFP rằng chi phí “cấy ghép và giao hàng thành công” là khoảng 600.000 nhân dân tệ (87.000 USD).

“Thêm 200.000 nhân dân tệ (khoảng 30.000 USD) để lựa chọn giới tính, và 200.000 nhân dân tệ nữa cho cặp song sinh Long - Phụng (một trai, một gái)”, một đại lý cho biết.

Lin, người đã từ bỏ nghề luật sư để sinh con, nói rằng cô lựa chọn dịch vụ quốc tế vì quá sợ hãi thị trường chợ đen trong nước, nhưng đại dịch đã khiến cô hối hận.

“Nếu tôi chấp nhận rủi ro. Hôm nay tôi đã có thể ôm con”, Lin nói.

 

Theo Zing