David Schaus, doanh nhân người Mỹ đang sống tại Hong Kong, cho biết anh và con trai đã mắc kẹt ở sân bay nhiều giờ đồng hồ, vào ngày 29/8, vì chưa được chấp thuận cách ly tại nhà do vấn đề sức khỏe, theo South China Morning Post.
Alexander, 9 tuổi, mắc chứng tăng động giảm chú ý. Cậu bé sẽ cảm thấy khó chịu và tự làm tổn thương bản thân nếu bị giam giữ trong một không gian nhỏ và xa lạ như phòng khách sạn. Tuy nhiên, các quy tắc hiện hành nhấn mạnh gia đình Schaus chỉ có thể nộp đơn xin cách ly tại nhà sau khi máy bay hạ cánh ở Hong Kong.
“Nếu là người có nhu cầu đặc biệt, chỉ riêng việc không chắc chắn rằng bản thân có được miễn trừ hay không đã khiến bạn dè chừng khi đi du lịch. Giờ đây, họ thậm chí đang bị phân biệt đối xử”, Schaus nói.
“Nếu việc cách ly tiếp tục kéo dài, những người có nhu cầu đặc biệt cần phải có chỗ ở hợp lý, nếu không đó chỉ là hành động vô nhân đạo”, anh nhấn mạnh.
Hong Kong đã ghi nhận hơn 8.800 ca nhiễm và 13 ca tử vong do Covid-19 vào ngày 30/8. Đặc khu cũng áp dụng chính sách Zero Covid-19 nhưng linh hoạt hơn. Từ ngày 12/8, chính quyền Hong Kong yêu cầu hành khách cách ly 3 ngày tại khách sạn khi trở về từ nước ngoài.
Trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, giới chức cảnh báo siết chặt các biện pháp kiểm dịch nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.
13 giờ chờ đợi
Đối với gia đình 4 người của Schaus, thử thách bắt đầu khi họ đặt chân xuống sân bay ở Hong Kong vào khoảng 14h ngày 29/8.
Vợ và con trai lớn của Schaus đã đến khách sạn cách ly, nhưng anh nói với các nhân viên sân bay rằng anh sẽ đợi quyết định về đơn đăng ký cho con trai út Alexander, vì lo ngại cậu bé sẽ không chịu được khi bị “giam” trong một phòng khách sạn.
|
|
Alex Schaus, 9 tuổi, mắc chứng tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý, đợi ở sân bay để được cơ quan y tế chấp thuận đơn xin cách ly tại nhà. Ảnh: South China Morning Post |
Schaus đã dành hàng giờ đồng hồ gửi email đến cơ quan y tế và liên lạc với cảnh sát để xem liệu họ có thể giúp giải quyết vấn đề này hay không.
Đến nửa đêm, khoảng 10 giờ sau khi gia đình anh đáp xuống sân bay, các quan chức y tế trả lời rằng đơn đăng ký của anh vẫn đang được xem xét.
3h30 ngày 30/8, Schaus quyết định cùng con trai đến khách sạn cách ly để nghỉ ngơi. Đến 9h30, Schaus nhận được thông báo rằng Alexander được phép cách ly tại nhà, và cả hai được xe cấp cứu đưa về nhà ở Pok Fu Lam vào khoảng giữa trưa.
Theo lời kể của Schaus, gia đình anh đã gửi đơn đăng ký cách ly tại nhà cho Alexander đến cơ quan y tế từ đầu tháng 8.
Anh đã gửi rất nhiều email, đính kèm thẻ khuyết tật do chính phủ cấp, sơ đồ ngôi nhà và giấy xác nhận từ bác sĩ về việc cậu bé có thể tự làm hại bản thân nếu phải ở trong môi trường kín và xa lạ.
Tuy nhiên, đến ngày 29/8, anh nhận được email phản hồi rằng cơ quan y tế sẽ không chấp nhận đơn đăng ký trước, vì các yêu cầu có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào do tình hình dịch bấp bênh.
Thông báo nói thêm rằng những người nộp đơn đăng ký phải cách ly tại khách sạn chỉ định trong thời gian chờ xử lý.
Cơ quan y tế hiện chưa đưa ra bình luận.
Thủ tục nghiêm ngặt
Nhiều chuyên gia và nhóm cộng đồng đã lên tiếng về trường hợp của Alexander. Họ cho rằng những khó khăn trong việc cách ly có thể cản trở người khuyết tật đi du lịch.
Stella Cheng, Chủ tịch Hiệp hội Điều trị bệnh Nghề nghiệp Hong Kong, cho biết các bậc cha mẹ có con cái có nhu cầu đặc biệt sẽ "cân nhắc kỹ" trước khi đi du lịch nước ngoài, nếu biết con họ có thể gặp khó khăn trong khâu cách ly khi trở về.
|
|
Hong Kong yêu cầu hành khách trở về từ nước ngoài phải cách ly tại các khách sạn chỉ định. Ảnh: AFP |
Bà đồng ý rằng những gia đình có trẻ em mắc các chứng bệnh như tự kỷ sẽ gặp khó khăn trong việc cách ly tại khách sạn vì môi trường xa lạ.
“Sẽ tốt hơn nếu chính quyền cho phép mọi người nộp đơn xin miễn trừ trước khi họ xuống sân bay ở Hong Kong, đồng thời không chỉ định cách ly khách sạn nếu họ đảm bảo phương pháp kiểm dịch tại nhà”, bà cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, bà Wendy Huang Wenjie, từ Tổ chức Xã hội vì Cộng đồng, cho biết các quy định hiện nay chưa giải quyết được “yêu cầu hợp lý, đặc biệt là về sức khỏe (của những người có nhu cầu đặc biệt)”.
“Chính quyền Hong Kong cần xem xét các nhu cầu đặc biệt của người dân và xử lý chúng linh hoạt hơn”, bà nói thêm.
Hướng dẫn trên trang web của cơ quan y tế Hong Kong cho biết quyết định miễn cách ly tại khách sạn sẽ chỉ được áp dụng trong "những trường hợp rất đặc biệt" hoặc "tình trạng y tế nghiêm trọng".
Cơ quan này lưu ý thêm điều kiện cách ly tại nhà phải hợp lý và các thành viên khác đang sống trong nhà cũng phải sẵn sàng cách ly.
Trong khi đó, tiến sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, cho biết: “Nếu (người dân) có nhu cầu đặc biệt, các quan chức y tế sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể”.
Hong Kong có hơn 57.000 trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt, bao gồm gặp khó khăn trong học tập, mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn phổ tự kỷ, suy giảm khả năng nói và ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khuyết tật thể chất, khiếm thị và bệnh tâm thần
Theo Zingnews