leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo tổng kết giai đoạn 1 thực hiện dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam" (Dự án) diễn ra ngày 16/12/2021 tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến. 

Dự án do TƯ Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ quan với sự tài trợ kinh phí của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021. 

Dự án được thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang và Cần Thơ, với mục tiêu: Hỗ trợ Phụ nữ Việt Nam di cư trở về từ Hàn Quốc và các quốc gia khác được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ nhằm tái hòa nhập bền vững thông qua cải thiện môi trường chính sách, tăng cường kiến thức, kỹ năng và thành lập, vận hành các Văn phòng Hỗ trợ một điểm đến tại các địa bàn dự án.

leftcenterrightdel
Hội thảo diễn ra vào ngày 16/12/2021 tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà đánh giá: Đây là một dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được triển khai trong bối cảnh di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở cấp độ quốc gia và liên quốc gia để có thể bảo vệ quyền lợi của phụ nữ di cư hồi hương và thành viên của gia đình họ, nhất là trẻ em. 

Dù triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song các mục tiêu và kế hoạch của dự án đã được triển khai thực hiện có kết quả, bước đầu đã hình thành được mô hình của dự án hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, phối hợp hiệu quả của các đơn vị liên quan để hướng tới đối tượng đích là phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ. 

Những kết quả nổi bật của Dự án

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh một số kết quả dự án đã đạt được trong giai đoạn vừa qua:

Nâng cao năng lực, nhận thức về các vấn đề liên quan đến phụ nữ di cư hồi hương

Dự án đã tập trung cho việc nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ Hội LHPN Việt Nam nói riêng và các bộ, ngành, cơ quan nói chung về các vấn đề đặt ra của phụ nữ di cư hồi hương và những hỗ trợ cần thiết để giúp họ giải quyết vấn đề thông qua các khoá tập huấn giảng viên nguồn về nội dung dự án và vận hành mô hình; các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện dự án. 

Trong đó, có hoạt động thể hiện sự hợp tác, kết nối và vị thế của dự án như hội thảo song phương Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi về các mô hình và thực tiễn hiệu quả hỗ trợ phụ nữ di cư kết hôn vừa được tổ chức vào tháng 11 vừa qua.

leftcenterrightdel
Hội thảo song phương Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi về các mô hình và thực tiễn hiệu quả hỗ trợ phụ nữ di cư kết hôn vừa được tổ chức vào tháng 11/2021. Ảnh: Tuấn Dũng 

Các hoạt động truyền thông hiệu quả

Nhiều hoạt động truyền thông, vận động chính sách thông qua các hội thảo vận động, các sự kiện truyền thông, các tài liệu truyền thông vận động đã được triển khai ở các cấp độ, từ trung ương đến cơ sở với nhiều hình thức, cách thức sáng tạo, đổi mới phù hợp với bối cảnh tình hình và nhóm đối tượng hưởng lợi của dự án, thu hút hàng ngàn người tham dự. 

Dự án đã xây dựng được các kênh truyền thông của dự án với lượng tương tác cao như: trang fanpage của dự án vừa để cập nhật, quảng bá hoạt động của dự án và có liên quan đến dự án, vừa là kênh thu nhận những ý kiến, trao đổi của phụ nữ di cư, từ đó, giúp dự án có định hướng hơn trong các hoạt động can thiệp; đưa nội dung liên quan đến dự án lên ứng dụng Tiktok để quảng bá, thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà tham quan triển lãm tranh ghi lại hành trình 2 năm thực hiện dự án 

Xây dựng và vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương 

Một trong những điểm nhấn và kết quả quan trọng của dự án chính là việc xây dựng và vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (OSSO) tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương. Giai đoạn thí điểm vừa qua, các Văn phòng OSSO đã tiếp cận, tư vấn cho hơn 800 phụ nữ với hơn 2.000 cuộc tư vấn. Mô hình OSSO đã được xác định là mô hình hiệu quả để giới thiệu tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh/thành phố.

leftcenterrightdel
Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (OSSO) tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương. 

Kết quả hoạt động của dự án và Văn phòng OSSO thời gian qua vừa là sự cụ thể hoá các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như Chiến lược phát triển tổ chức Hội, vừa là minh chứng tin cậy để Hội thực hiện chức năng đại diện trong đề xuất chương trình, chính sách hoạt động can thiệp từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức cung cấp dịch vụ; đặc biệt, đưa ra khuyến nghị, đề xuất cho hoạt động của Dự án và dịch vụ cung cấp tại Văn phòng OSSO giai đoạn tới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhóm phụ nữ di cư.

Sự cam kết mạnh mẽ của các bên

Tại Hội thảo, bà Han Mi Rah - Phó Giám đốc quốc gia, Văn phòng KOICA tại Việt Nam - đánh giá: Sau 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cải thiện môi trường chính sách, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến phụ nữ di cư hồi hương và gia đình... Dù triển khai trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh Covid-19 nhưng Dự án đã thể hiện sự ứng phó linh hoạt và sự nỗ lực đồng hành của các đơn vị thực hiện.

leftcenterrightdel
Bà Han Mi Rah - Phó Giám đốc quốc gia, Văn phòng KOICA tại Việt Nam - phát biểu tại Hội thảo 

Bà Yun Doyen - Giám đốc chương trình, Tổ chức Di cư quốc tế - nhấn mạnh: Những kết quả đạt được của Dự án trong giai đoạn 1 của có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các hoạt động hỗ trợ tái nhòa nhập còn yếu. Dự án đã xây dựng được mạng lưới tái hòa nhập, hỗ trợ pháp lý - là dịch vụ thiết yếu, quan trọng trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương. 

Bà Yun Doyen cũng đánh giá cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động phối hợp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương có hệ thống, hiệu quả cao, triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau: tư vấn, tập huấn đào tạo, chính sách....

leftcenterrightdel
Bà Yun Doyen - Giám đốc chương trình, Tổ chức Di cư quốc tế 

Những kết quả đó Hội LHPN Việt Nam không thể đạt được nếu không có sự phối hợp của các ngành, các địa phương liên quan cũng như sự đồng hành của tổ chức IOM với rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà khẳng định. 

Trên cơ sở những kết quả và nỗ lực của dự án giai đoạn 1, Hội LHPN Việt Nam đã nhận được thông báo từ KOICA tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 của dự án với việc mở rộng hơn phạm vi hoạt động và địa bàn dự án theo hướng tiếp cận đa dạng, toàn diện hơn các hỗ trợ cho nhóm phụ nữ di cư, đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Trần Lê - Ảnh: Tuấn Dũng