leftcenterrightdel
 Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh tham dự Tọa đàm.

 

Tọa đàm do Bộ ngoại giao phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các sở, ban, ngành của nhiều Tỉnh, Thành phố, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Châu Âu cùng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường EU.

Tọa đàm đã đem lại cho các doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích, như chính sách và quy định của EU về nhập khẩu rau quả, thực trạng rau quả Việt tại thị trường EU và những nguyên nhân khó khăn, trở ngại để các bên định ra giải pháp khắc phục.

Hà Lan, tuy là thị trường nhỏ với hơn 17 triệu dân nhưng có vị trí cực kỳ quan trọng và thuận lợi với hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển, có thể kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của Tây Âu trong thời gian ngắn. Hà Lan tập hợp được các nhà bán buôn trong khu vực Châu Âu, hơn 20% lượng rau quả tươi nhập khẩu của Châu Âu được thực hiện qua Hà Lan.

Mặc dù lượng rau quả Việt Nam nhập khẩu vào Hà Lan trong những năm gần đây rất khả quan, đủ chủng loại từ tươi, cấp đông đến sản phẩm khô nhưng thị trường vẫn còn dư địa để phát triển. Trao đổi tại Tọa đàm, Đại sứ Phạm Việt Anh đã đề xuất những biện pháp căn cơ và đồng bộ để có thể hỗ trợ tốt hơn nữa việc sản xuất và xuất khẩu rau quả sang Hà Lan.

Trước hết cần có nguồn hàng bền vững (tăng diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu EU, tính bền vững thể hiện ở việc sản phẩm đảm bảo chất lượng ổn định, nhất quán có tính đến các tiêu chí xã hội như người lao động và môi trường xanh.

Thứ hai, cần phát triển hệ thống logistics (gồm cả cơ sở hạ tầng và dịch vụ).

Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại (đồng bộ từ trung ương đến địa phương, gắn chặt với hệ thống Thương vụ, các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu; quảng bá sản phẩm thông qua tặng phẩm đối ngoại với quy chuẩn về chất lượng, bao bì, ngôn ngữ, hướng dẫn sử dụng sản phẩm hướng tới giới thiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia).

Cuối cùng, cần tăng cường thâm nhập kênh phân phối sở tại, nhắm đến khách hàng Âu. Mô hình này có thể thông qua các công ty liên doanh hoặc có sự liên kết, bảo đảm kỹ thuật của các doanh nghiệp châu Âu, bên cạnh đó để dần dần thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người Châu Âu đối với sản phẩm Việt cần có đầu tư lớn về hoạt động quảng bá, marketing cấp bộ, cấp địa phương và doanh nghiệp.

Theo ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan