- Xin ông cho biết ý nghĩa và mục đích của Chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW trong đó khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN có quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kết luận 12 đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với nguy Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị và việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36, góp phần thực hiện toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác về NVNONN trong tình hình mới. Mặt khác, nội dung Kết luận cũng thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào về nước thăm quê hương, sinh sống, tham gia các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh ở trong nước, khuyến khích bà con tiếp tục phát huy nguồn lực to lớn và hướng về đất nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những ưu tiên cần triển khai trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Từng bước triển khai ưu tiên này, Uỷ ban NNVNVNONN - Bộ Ngoại giao xây dựng Chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan”, với mong muốn tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản hồi của bà con kiều bào về tình hình triển khai các thủ tục hành chính, chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài tại địa chỉ: https://scov.gov.vn.
|
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN tin tưởng kiều bào sẽ nhiệt tình hưởng ứng chương trình khảo sát về pháp luật và thủ tục hành chính. |
Chương trình khảo sát được thiết kế dưới dạng phần mềm khảo sát và sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban NNVNVNONN, cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao và trang web của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình sẽ quảng bá rộng rãi để bảo đảm có nhiều bà con kiều bào biết đến và tham gia khảo sát. Với giao diện và phương thức nhập dữ liệu thân thiện với người sử dụng, tôi tin tưởng rằng cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài sẽ nhiệt tình hưởng ứng, tham gia tích cực vào chương trình khảo sát.
- Sau khi hoàn thành công việc khảo sát ý kiến của NVNONN về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan, Ủy ban NNVNVNONN sẽ triển khai các bước tiếp theo như nào thưa ông?
Nội dung lấy ý kiến khảo sát của NVNONN khá toàn diện, từ các thủ tục hành chính tới các quy định pháp luật về quốc tịch, hộ tịch, mua và sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, đầu tư, lao động, chế độ ưu đãi chuyên gia, trí thức kiều bào... là những nội dung, vấn đề mà kiều bào quan tâm và thường gặp khi thực hiện các giao dịch trong nước.
Chương trình khảo sát được đặt trên trang thông tin điện tử của Ủy ban NNVNVNONN và liên kết với các trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện để thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của bà con. Dự kiến định kỳ 6 tháng và 1 năm, Ủy ban NNVNVNONN sẽ tiến hành tổng hợp ý kiến đóng góp của bà con kiều bào theo từng lĩnh vực cụ thể.
Ủy ban NNVNVNONN sẽ trao đổi, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm đưa ra các kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào.
Với tư cách chủ thể chính của các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, ý kiến đóng góp, phản hồi của bà con kiều bào sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
- Trong thời gian dịch Covid-19, công tác về NVNONN gặp những khó khăn và thuận lợi gì thưa ông?
Khó khăn lớn nhất là những sự kiện mang tính thương hiệu của Ủy ban NNVNVNONN như Xuân quê hương, Trại hè Việt Nam, các chuyến đi Trường Sa đều không thực hiện được. Tuy nhiên, bên cạnh đó Ủy ban NNVNVNONN nhìn thấy những cơ hội và thực hiện được những việc mà trước thời kỳ Covid-19 chưa làm được.
Chúng tôi tổ chức hàng loạt các toạ đàm kết nối kiều bào khắp nơi trên thế giới cùng ngồi cùng nói chuyện với nhau trên một diễn đàn. Qua các toạ đàm này, công chúng trong nước cũng hiểu rõ hơn vai trò nguồn lực của kiều bào cũng như những tâm huyết của kiều bào với công tác phòng chống dịch trong nước. Chúng tôi khắc phục khó khăn bằng cách làm mới mà chúng tôi triển khai rất có hiệu quả.
Tăng cường gắn kết Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với kiều bào
Thực hiện việc tổ chức lại công tác thông tin truyền thông đối với NVNONN một cách hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, Uỷ ban NNVNVNONN xây dựng Trang thông tin điện tử của Ủy ban, cung cấp các nội dung phong phú, toàn diện về các mặt công tác đối với NVNONN, thông tin nói chung về cộng đồng NVNONN, cũng như thông tin về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam... Địa chỉ truy cập là: https://scov.gov.vn/.
Trang thông tin cũng sẽ tạo thêm một kênh kết nối để kiều bào ta có thể gửi trực tiếp ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị, tâm tư, tình cảm của mình đến Ủy ban NNVNVNONN. Tôi mong rằng đây sẽ là một nhịp cầu tăng cường gắn kết Uỷ ban NNVNVNONN với đồng bào ta ở xa Tổ quốc. |
Theo Thời Đại