Trẻ em tham gia ít nhất vào cuộc khủng hoảng biến đối khí hậu nhưng lại phải trả giá cao nhất. (Ảnh minh họa: AP)

Theo tổ chức Save the Children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế), 35 trong số 45 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thuộc khu vực châu Phi cận Sahara. Trong đó, Chad, Somalia, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Cộng hòa Dân chủ Congo là những quốc gia có khả năng thích ứng thấp nhất với tác động của biến đổi khí hậu.

Trong số 750 triệu trẻ em ở 45 nước có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi rủi ro khí hậu, có 210 triệu trẻ em ở 3 quốc gia Nam Á gồm Pakistan, Bangladesh và Afghanistan.

Phân tích được đưa ra dựa trên Chỉ số Thích ứng Toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) mới đây. ND-GAIN đã xếp hạng các quốc gia theo mức độ dễ bị tổn thương do các biến đổi khí hậu và mức độ sẵn sàng hoặc khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của nước đó. Khả năng thích ứng và ứng phó càng thấp, nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trẻ em càng cao. Các rủi ro khí hậu dựa trên kịch bản giả định là những chính sách khí hậu giới hạn và ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức 4,5 W m-2 vào năm 2100.

Tổ chức Save the Children cảnh báo, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những trẻ em dễ bị tổn thương và gia đình của các em. Theo đó, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực, bệnh tật và các mối đe dọa về sức khỏe khác, khan hiếm nước do mực nước dâng cao, hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.

Ví dụ, trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo phải hứng chịu dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết do biến đổi khí hậu. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm những nguy cơ mới về sức khỏe, trong khi hệ thống y tế công cộng tại nước này đã và đang phải gánh chịu rất nhiều áp lực.

750 triệu trẻ em ở 45 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi rủi ro khí hậu. (Ảnh: DownToEarth)

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS, tần suất và cường độ của các trận lốc xoáy, bão và lũ lụt sẽ gia tăng trong thế kỷ tới do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tổ chức Save the Children khuyến cáo về sự cần thiết của các mạng lưới an sinh xã hội và coi đây như một biện pháp thích ứng căn bản. Nếu không có các biện pháp an sinh xã hội này, nhiều gia đình và trẻ em bị đẩy sâu vào cảnh nghèo đói hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Bên cạnh đó, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) quan ngại, nhiều trẻ em và gia đình sẽ phải sơ tán do lũ lụt, lốc xoáy... Việc di dời thường xuyên khiến thời gian để phục hồi sau thiên tai bị rút ngắn trong bối cảnh các "cú sốc" thiên tai liên tiếp xảy ra.

Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận, khoảng 9,8 triệu người phải di dời do những thảm họa như vậy trong nửa đầu năm 2020 và hầu hết trong số này ở khu vực Nam và Đông Nam Á và vùng Sừng châu Phi.

Có đủ bằng chứng xác định tác động của "khủng hoảng khí hậu đối với sản xuất lương thực". Do đó, điều này sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm cục bộ và giá cả tăng cao, Save the Children cho biết.

Trẻ em của các hộ gia đình nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trên thực tế, đã có những bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng và biến đổi khí hậu.

Theo Save the Children: "Tuy nhiên, ngay cả trẻ em ở các quốc gia ít gặp rủi ro hơn cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các trận cháy rừng, sóng nhiệt, bão và lũ lụt". Trẻ em ở Ấn Độ cũng nằm trong số này, đây là quốc gia xếp hạng 66 trong 181 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong chỉ số ND-GAIN.

Bà Inger Ashing, Giám đốc điều hành của Tổ chức Save the Children, cho biết, trẻ em tham gia ít nhất vào cuộc khủng hoảng biến đối khí hậu mà chúng ta đang đối mặt nhưng lại phải trả giá cao nhất. Do đó, phân tích này, được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu về khí hậu bắt đầu vào Ngày Trái đất, là một lời kêu gọi các quốc gia cần hành động khẩn cấp.

Theo vtv