|
|
Phong trào #MeToo cho thấy bạo lực tình dục và phân biệt giới tính là một thực tế diễn ra hàng ngày |
Thực tế, phong trào #MeToo được khởi xướng từ năm 2006 bởi nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke, tuy nhiên, nó chỉ thực sự gây chấn động khi nữ diễn viên Alyssa Milano phanh phui vụ bê bối tình dục của “ông trùm Hollywood” Harvey Weinstein, người có quyền lực bậc nhất trong làng điện ảnh Mỹ vào đêm 17/10/2017 và đưa dòng trạng thái trên Twitter với mong muốn những nạn nhân từng bị quấy rối hay bị tấn công tình dục hãy dũng cảm đứng lên, bằng cách sử dụng hashtag “#MeToo”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong vòng một năm sau sự kiện này, hashtag “#MeToo” đã được sử dụng hơn 19 triệu lần, đẩy vấn đề tấn công tình dục lên hàng đầu trong hầu hết các chương trình nghị sự toàn cầu.
Phong trào này càng lan tỏa dữ dội hơn sau cuộc điều tra bùng nổ của tờ New York Times về nhà sản xuất phim Harvey Weinstein - người đã sử dụng quyền lực của mình để cưỡng hiếp và hành hung rất nhiều phụ nữ trong ngành giải trí trong nhiều năm dài.
Từ đó, hàng loạt những nhân vật quyền lực trong ngành giải trí khác cũng bị phanh phui và tất nhiên họ phải trả giá. Ngoài Harvey Weinstein bị kết án 23 năm tù về các tội lỗi của mình, nam diễn viên đình đám Kevin Spacey đã bị loại khỏi dự án House Of Cards, riêng bộ phim All The Money In The World của Ridley Scott đã thay thế anh bằng một diễn viên khác.
Kế đến, nam diễn viên James Franco, ca sĩ opera Placido Domingo, diễn viên hài Louis CK, nhiếp ảnh gia thời trang Terry Richardson, đầu bếp nổi tiếng Mario Batali cũng lần lượt bị tố cáo về những hành động hèn hạ của mình.
Ngoài những nhân vật trong giới giải trí, phong trào #Metoo còn lan rộng ra những lĩnh vực khác như những người đứng đầu Amazon Studios, Fox News, CBS và Vox Media đã bị buộc thôi việc.
Các cáo buộc nghiêm trọng nhất cũng dẫn đến án tù cho những nhân vật gần như "không thể đụng tới" trước đây như Bill Cosby, từng được coi là "cha của nước Mỹ", ca sĩ R. Kelly và nhà tài chính, tỷ phú Jeffrey Epstein. Bên cạnh đó nó còn kéo theo các chính trị gia, ngôi sao thể thao và các công ty công nghệ lớn như Google và Uber.
|
"Ông trùm Hollywood Harvey Weinstein bị kết án 23 năm tù về các tội lỗi của mình |
"Một cuộc cách mạng"
Sức mạnh của phong trào #Metoo nằm ở chỗ khi điều tồi tệ và sai trái được đưa ra ánh sáng thì công lý và dư luận luôn đứng về phía người bị hại. Tiến sĩ Sandrine Ricci, một nhà xã hội học tại Đại học Quebec ở Montreal, cho biết: "#MeToo cho thấy bạo lực tình dục và phân biệt giới tính là một thực tế diễn ra hàng ngày. Phong trào cho phép mọi người, đặc biệt là các nạn nhân, hiểu rõ hơn về những gì người khác đang gây ra cho họ".
Theo tiến sĩ Sandrine Ricci, điều đáng ghi nhận là tâm chấn của phong trào #Metoo là Hoa Kỳ, nhưng dư chấn của nó là toàn cầu.
Khi phong trào này lần lượt lan tỏa ra khắp thế giới thì đã có hàng ngàn nạn nhân đứng lên tố giác. Đó là một giáo viên kịch người Serbia bị các nhà lãnh đạo cực đoan ở Israel buộc tội hiếp dâm, lạm dụng hay một vụ bê bối "trao đổi sex để cho điểm" tại một trường đại học Maroc.
Nghiên cứu của Pew cho thấy rằng 1/3 số tweet #MeToo trong năm đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh - 7% là tiếng Afrikaans, 4% ở Somali, đó là chưa tính tới các ngôn ngữ khác, chẳng hạn như #YoTambien bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc #BalanceTonPorc bằng tiếng Pháp.
"Ban đầu mọi người rất ngạc nhiên. Họ không biết quấy rối tình dục phổ biến như thế nào", Giáo sư Hillevi Ganetz, tại Đại học Stockholm, cho biết. "Ngày này qua ngày khác, càng ngày có thêm những lời khai. Thật là choáng ngợp", cô nói. "Đó là một cuộc cách mạng và nó thật sự đáng để ghi nhận vì nạn nhân đã dám đứng lên tố giác tội phạm".
Về bản chất, #MeToo nhắm vào hành vi thường khó chứng minh trước tòa và dẫn đến cáo buộc rằng nạn nhân đưa những lời tố cáo nhưng khó có một cuộc điều tra thích hợp. Bên cạnh đó, một số nạn nhân cũng băn khoăn rằng khó phân biệt giữa quấy rối và tán tỉnh.
Một chặng đường dài
Sau 5 năm, phong trào #MeToo có dấu hiệu đi xuống, nó không lan tỏa như ban đầu mặc dù hiện tại, mỗi ngày phụ nữ trên toàn cầu vẫn đang phải đối mặt, chống chọi với nạn lạm dụng, tấn công, quấy rối tình dục. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ khó khăn là khuyến khích tố giác và sự thay đổi của xã hội.
|
Về bản chất, #MeToo nhắm vào hành vi quấy rối thường khó chứng minh trước tòa - Ảnh: AFP |
Bà Florence Rochefort, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đưa ra các giải pháp. Với việc thế giới đang chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu, thì thời điểm này không phải là lý tưởng để giải quyết các vấn đề xã hội.
Luật chống hiếp dâm đã được ban hành ở nhiều nơi, chẳng hạn như Thụy Điển vào năm 2018 và Tây Ban Nha vào năm ngoái. Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đã giới thiệu chương trình nâng cao nhận thức cho người lao động và không còn bỏ qua những lời tố giác.
Times Up, tổ chức chiến dịch chống lạm dụng trong ngành điện ảnh, đang thành lập một hội đồng chuyên gia để xử lý những tố giác, khiếu nại. Tương tự, các cơ quan khác đối với bác sĩ, giáo viên và các chuyên gia khác cũng đang được tiến hành".
Theo bà Florence Rochefort, những ý tưởng trên sẽ cung cấp một cơ chế rõ ràng với hai mục tiêu: Một là khuyến khích mọi người đứng lên tố giác. Hai là chống lại những người cho rằng bị cáo bị kết tội mà không có thủ tục tố tụng vì không có bằng chứng hoặc quy định rõ ràng.
Theo phụ nữ TPHCM