Đà tăng trên thị trường chứng khoán sau thông tin vaccine thử nghiệm của Pfizer đạt hiệu quả trên 90% đã khiến tài sản của rất nhiều nhà đầu tư tăng vọt. Tuy nhiên, không ai hưởng lợi nhiều như hai anh em người Đức Andreas và Thomas Struengmann.
Tổng cộng, hai người đã có thêm 8 tỷ USD năm nay nhờ sở hữu cổ phần trong BioNTech – công ty Đức cùng phát triển vaccine Covid-19 với Pfizer. Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của BioNTech đã tăng vọt tuần này sau khi Pfizer công bố kết quả thử nghiệm lạc quan.
Hiện tại, với 22 tỷ USD – hai anh em sinh đôi này đang sở hữu một trong những khối tài sản lớn nhất thế giới trong ngành chăm sóc sức khỏe, theo Bloomberg Billionaires Index. Cả hai năm nay 70 tuổi, gây dựng tài sản bằng cách tái đầu tư lợi nhuận các mảng kinh doanh dược phẩm của gia đình. Họ đã "tái định hình khối tài sản chỉ bằng cách tin vào công nghệ", Paul Westall – đồng sáng lập hãng tuyển dụng Agreus Group cho biết.
Năm 1979, hai anh em tiếp quản hãng dược phẩm Durachemie của gia đình từ người cha Ernst. 7 năm sau, họ bán công ty và dùng số tiền này để thành lập Hexal. Cả hai bắt đầu với hơn 20 nhân viên trong một căn hộ gần Munich, sau đó dần phát triển công ty thành hãng sản xuất thuốc gốc (generic drug) lớn thứ 4 thế giới.
"Sức mạnh của chúng tôi nằm ở tốc độ và sự linh hoạt", Thomas cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, "Khi các hãng lớn còn đang suy nghĩ, chúng tôi đã hành động rồi".
Năm 2005, hai anh em mở văn phòng có tên Athos Service ngay sau khi Novartis thông báo sẽ mua lại Hexal cùng số cổ phần của họ trong EON Labs với giá tổng cộng 5,7 tỷ euro (6,7 tỷ USD).
Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái với tờ Handelsblatt, Thomas Struengmann cho biết ban đầu, hai anh em tự hứa sẽ không đầu tư quá 1 tỷ euro cho lĩnh vực công nghệ sinh học, vì ngành này nhiều rủi ro và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, họ sau đó đã rót tiền vượt trần vì nhận thấy có tiềm năng. "Anh luôn muốn thấy mầm cây nhỏ của mình liên tục phát triển", ông nói.
Khoản đặt cược vào BioNTech cho thấy tham vọng của họ vào các loại thuốc mang tính đột phá. Họ đã giúp BioNTech huy động 150 triệu euro năm 2008 và hiện sở hữu nửa công ty. Đà tăng của chứng khoán cũng giúp CEO BioNTech Ugur Sahin sở hữu hơn 4 tỷ USD.
Anh em Struengmann cũng hỗ trợ công ty cũ của Sahin - Ganymed Pharmaceuticals. Đây là công ty sản xuất thuốc chữa ung thư mà Sahin thành lập cùng vợ Ozlem Tureci. Chỉ một năm sau khi hai vợ chồng ông chuyển hướng tập trung sang Covid-19, kết quả thử nghiệm chính là sự xác nhận về loại thuốc mới họ đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi. "Việc này có thể mở ra lớp phân tử mới trong lĩnh vực dược phẩm", Sahin cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần này.
Năm ngoái, IPO của BioNTech tại Mỹ đã khép lại cả thập kỷ bận rộn của hai anh em Struengmann. Từ năm 2010, họ đã đầu tư vào một công ty sản xuất thiết bị trợ thính, bán nhà băng Đức Suedwestbank với giá hơn gấp đôi giá mua vào năm 2004 và mua cổ phần nhiều công ty công nghệ sinh học, trong đó có Immatics.
Dĩ nhiên, không phải tất cả đều có kết quả tốt. Cổ phiếu Immatics đã mất giá một phần ba kể từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq hồi tháng 7. Trong khi đó, 4SC – hãng sản xuất thuốc ung thư Đức mà Struengmanns là cổ đông lớn – cũng mất giá 20% năm nay. Chính BioNTech cũng có khởi đầu chật vật, khi phải định giá IPO thấp hơn mục tiêu. Dù vậy, mã này đã tăng 580% đến nay.
"Với chúng tôi, lợi nhuận không phải là tất cả", Thomas trả lời phỏng vấn trên Handelsblatt, "Ưu tiên số một là tạo ra các đột phá về y học".
Theo vnexpress