leftcenterrightdel
 Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa phải) và nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (thứ 3 từ phải sang) trao đổi cùng các đại biểu tại Hội thảo

Sáng ngày 10/10, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập".

Hội thảo nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập, được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trung tâm ở tỉnh Tiền Giang và trực tuyến tại 95 điểm cầu trên cả nước với gần 1.500 đại biểu tham dự.

Tại Hội thảo, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trương Mỹ Hoa cho biết, bản thân bà là thế hệ đi sau Dì Mười Thập nhưng bà may mắn có những lần biết đến Dì Mười Thập. Trong đó, vào năm 1984, khi được phân công ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà vinh dự được ở tại ngôi nhà Dì Mười Thập đã ở; được ngủ trên chiếc giường đơn sơ của Dì Mười Thập để lại.

Theo bà Trương Mỹ Hoa, việc được làm công tác ở Hội cũng giúp bà sống với một số người từng công tác dưới thời Dì Mười Thập. Qua đó, bà biết được Dì Mười Thập là một lãnh đạo nghiêm khắc, mẫu mực trong chỉ đạo và rất thương chị em phụ nữ.

"Những người đã được Dì Mười Thập giáo dục và thế hệ cán bộ Hội trước đó đã nhắc, nói nhiều về Dì Mười Thập. Đây là điều rất quý với tôi. Qua đó, tôi thấy Dì Mười Thập là người tận tụy với công việc, sát sao với cơ sở", nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ và nhấn mạnh những chỉ đạo của Dì Mười Thập có tầm nhìn, tầm chiến lược sâu sắc và có trí tuệ, sắc sảo vì Dì biết lắng nghe ý kiến tham mưu.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, kỷ niệm sâu sắc nhất của bà đối với đồng chí Nguyễn Thị Thập là khi tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa VI, đơn vị tỉnh Tiền Giang.

Theo bà Hoài Thu, bản thân bà và các đại biểu tỉnh Tiền Giang luôn nhận được những lời thăm hỏi và cả sự sẻ chia trong công việc cũng như cuộc sống từ Bà Mười Thập. "Bà còn gói bánh ít cho chúng tôi ăn để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đạm bạc, khó khăn nhưng thắm tình quê hương. Bà chăm lo cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Bà thường xuyên hỏi han có chịu được thời tiết khắc nghiệt không bởi vì lúc đó mùa hè nóng như thiêu nhưng chỉ có quạt trần, còn mùa đông rét cắt da cắt thịt mà không có lò sưởi, chỉ có chăn bông", bà Hoài Thu bồi hồi nhớ lại.

Bà Lương Thanh Nguyên (cháu nội đồng chí Nguyễn Thị Thập) cho biết, trong gia đình, Bà Thập luôn là tấm gương sáng ngời về ý chí phấn đấu để các thế hệ con cháu học tập, rèn luyện, nguyện sống xứng đáng với sự nghiệp cách mạng và những cống hiến của Bà; vì độc lập dân tộc và sự tiến bộ của phụ nữ.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/10/2023 

Nhân cách lớn đầy dung dị, thân thương

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, trong quá trình hoạt động cách mạng liên tục, với nhiều cương vị, lĩnh vực khác nhau, đồng chí Nguyễn Thị Thập dành sự quan tâm, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đem lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho phụ nữ.

"Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã đi xa nhưng những đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với sự nghiệp giải phóng phụ nữ sẽ vẫn còn mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau", ông Lợi nhấn mạnh.

ThS.Nguyễn Thị Kim Hằng, Trường Đại học Khánh Hòa, cũng khẳng định, cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Thập là huyền thoại sống về một nhà lãnh đạo xuất sắc, tiêu biểu của phụ nữ, một trong số những người con ưu tú nhất của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc. Những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ. Tên đồng chí đã được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, TPHCM, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và một số thành phố khác.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe phát biểu tham luận với nội dung phong phú, có chất lượng khoa học cao góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng. Trong đó có nhiều luận giải, phân tích, đánh giá sâu sắc về những đóng góp, công lao của đồng chí Nguyễn Thị Thập đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào phụ nữ của cả nước.   

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, đồng chí Nguyễn Thị Thập mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tiền Giang; là biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Tiền Giang nói riêng. Bà vừa là một nhân cách lớn nhưng đồng thời cũng là một người phụ nữ rất đỗi dung dị, thân thương như biết bao người mẹ, người phụ nữ trên các miền quê của đất nước Việt Nam.

"Noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông, thực hiện hiệu quả phong trào thực hiện thi đua yêu nước nhằm xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nói và nhấn mạnh Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan tiếp tục củng cố, bổ sung vào những trang vàng truyền thống, lịch sử cách mạng của quân và dân tỉnh Tiền Giang; cũng như của Hội LHPN Việt Nam thông qua hình tượng Cô Mười Thập.

Đình Hưng