Vietnam Centre do một số bạn trẻ thành lập với mục đích quảng bá văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn thế giới. Theo Nguyễn Ngọc Phương Đông, người đồng sáng lập tổ chức này, Dệt nên triều đại (NXB Dân Trí) là dự án phần nào khái lược cổ phục cung đình của nước ta trong giai đoạn 1437-1471. Phần đầu tiên của cuốn sách đề cập áo Giao Lĩnh. Khi tra xét cổ thư, áo Giao Lĩnh được đề cập rất nhiều lần như một quốc phục đương thời.

 

Tiếp đến là trang phục có tên Thường (quần), chỉ loại y phục nhìn như chiếc váy che phần hạ thể của người mặc. Khái niệm "quần" này hoàn toàn khác với quần hiện đại (y phục mặc ở dưới có hai ống). Quần (thường) được may ghép bởi hai khổ vải trở lên theo kiểu tròn, quấn quanh eo người mặc, bên dưới mới là chiếc quần hai ống trắng. Áo mặc ở trên phân biệt bằng Y, gọi là Y Thường.

 

Những bộ ảnh cổ phục này được thực hiện từ cuối năm 2017, trước khi gọi vốn cộng đồng. Mỗi lần, nhóm chỉ chụp được 1-2 bộ, bởi nếu dồn tất cả vào một lần, đòi hỏi kinh phí lớn. Trong đó, áo Viên Lĩnh (tên gọi có nghĩa là cổ áo hình tròn) được nhóm đầu tư khá công phu, kể cả nhưng chi tiết nhỏ nhất. Đây là loại áo khác phổ biến trong đời sống người Việt.

 

Trong thời gian thực hiện, đôi lúc, các bạn trẻ cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười. Có bộ cổ phục đã được may và chụp xong hết nhưng lại không thể sử dụng để đưa vào sách bởi về sau, nhóm phát hiện thêm chi tiết mới và buộc phải làm lại tất cả từ đầu. Theo Dệt nên triều đại, quan phục nữ giới trong giai đoạn này nhiều khả năng là áo Bào Viên Lĩnh.

 

Trong suốt quá trình thực hiện bộ ảnh, các bạn trẻ không chỉ tập trung cổ phục cung đình mà còn quan tâm cả tác phong, lễ nghi... Nhóm cũng cố gắng khôi phục hình ảnh về tục nhuộm răng đen của thời xưa. Ban đầu, nhóm chụp ảnh người mẫu và sử dụng photoshop để đổi màu răng, tuy nhiên công đoạn này tốn khá nhiều sức để có thể ra thành phẩm đạt yêu cầu.

 

Sau này, nhóm vô tình tìm ra được một chất nhuộm đen được làm hoàn toàn bằng bột thực phẩm. Chất này giúp răng có màu đen bóng. Tuy nhiên, nhược điểm là dễ trôi, chỉ phù hợp chụp ảnh chứ khó sử dụng trong các sự kiện live hoặc quay phim.

 

Theo chia sẻ của các bạn trẻ, nhóm gây quỹ được 200 triệu đồng nhưng chi phí dành cho khâu sản xuất hình ảnh cổ phục (phục trang, nhiếp ảnh, người mẫu...) chiếm đến một nửa. Tuy nhiên, nhóm vui vì có thể trau chuốt tỉ mỉ để có thể đưa đến độc giả sản phẩm hoàn thiện nhất.

 

Việc chụp hình trong thời gian dài tuy vất vả nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Ngoài trang phục, dự án còn cố gắng thể hiện thần thái, tác phong thời xưa, đòi hỏi lượng kiến thức khổng lồ, khó để người mẫu có thể nắm bắt ngay lập tức. Đây là Đối Khâm, một loại áo khoác mở giữa, không có cổ áo mà thay vào đó là hai vạt song song với nhau không nối liền.

 

Việc bắt đầu chụp hình từ sớm giúp dự án có đủ thời gian để truyền tải tư duy của mình tới các thành viên. Ví dụ đối với những người đứng hầu, trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại là thời Lê Thánh Tông quy định hai tay phải đan vào nhau rồi áp trước ngực. Bộ trang phục này có tên Huy Địch, dành cho hậu phi với hoa văn chim trĩ được trang trí tinh tế.

 

Điểm nhấn của Dệt nên triều đại có lẽ chính là bộ Hoàng Bào (Long Bào). Đây là áo mà hoàng đế dùng để thiết triều cũng như tham gia các đại lễ của triều đình. Đi kèm bộ cổ phục này thường là loại mũ có tên Xung Thiên Quan (theo Lịch triều hiến chương loại chí).

 

Triều Lê Sơ (1428-1527) bắt đầu từ khi cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh của Lê Lợi thành công. Ngoài Lê Thái Tổ (Lê Lợi), các vị vua khác như Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông... có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cải cách, phát triển đất nước.

Đặc biệt, nước ta trong thời gian trị vì của Lê Thánh Tông được coi là thịnh trị nhất của thời Lê Sơ. 

 

Theo Zing