Bước xuống từ cầu thang hẹp trong quán bar ở quận 1 (TP.HCM), Jeff Copeland tiến thẳng về phía bạn anh đang ngồi.

“Tôi bỏ phiếu rồi đấy”, Copeland nói với vẻ đầy tự hào, tay chỉ lên ngực áo phải có nhãn dán “I voted from Vietnam” (Tôi đã bỏ phiếu từ Việt Nam).

“Bầu cử là việc quyến rũ nhất mà người Mỹ có thể làm trong năm nay”, anh nói đùa trước sự hưởng ứng của người bạn.

Tối 8/10, anh Copeland, 28 tuổi, là một trong số những cử tri Mỹ đến sự kiện hỗ trợ bỏ phiếu được tổ chức tại quán bar nhỏ này để tham gia bầu cử. Sự kiện do nhóm Democrats Abroad Vietnam - tổ chức tình nguyện và hoạt động xã hội của người Mỹ ở Việt Nam - tổ chức.

Năm nay, người Mỹ bỏ phiếu bầu các nghị sĩ tại Hạ viện, Thượng viện, và quan trọng nhất là bầu ra tổng thống cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo.

“Đây là năm mà người Mỹ không thể không quan tâm đến bầu cử. Trước đây, nhiều người, đặc biệt là người trẻ không mấy để tâm đến sự kiện này, vì họ nghĩ tiếng nói của họ không quan trọng”, anh Copeland nói với Zing.

“Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng và phong trào đòi công lý cho người Mỹ gốc Phi lan rộng, thì đây là thời điểm người trẻ Mỹ - đặc biệt là thế hệ ‘millennial’ - thực sự có thể đóng góp đáng kể cho đất nước”, anh nói thêm, đề cập đến “millennial” - nhóm người sinh ra trong những năm từ 1980 đến đầu những năm 2000.

Từ bang Georgia chuyển đến TP.HCM làm việc từ đầu năm 2019, anh Copeland cho biết đây là cuộc bầu cử đầu tiên anh bỏ phiếu từ Việt Nam.

Theo Đạo luật Bỏ phiếu vắng mặt cho công dân Mỹ ở nước ngoài, bất kỳ công dân Mỹ nào cư trú ở nước ngoài đều có quyền bỏ phiếu vắng mặt bầu tổng thống, phó tổng thống và nghị sĩ quốc hội.

Bước đầu tiên của quy trình này là gửi yêu cầu đăng ký bỏ phiếu vắng mặt tới chính quyền tiểu bang của cử tri tại Mỹ. Sau đó, nếu đăng ký đúng hạn, các cử tri ở nước ngoài này sẽ nhận được lá phiếu ít nhất 45 ngày trước ngày bầu cử toàn quốc.

Trả lời Zing, bà Kara Eyrich, Trưởng Phòng Dịch vụ Công dân Mỹ thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết mỗi tiểu bang ở Mỹ có quy định bỏ phiếu khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, trước hết cử tri Mỹ ở nước ngoài đều phải đăng ký với chính quyền tiểu bang để bầu cử vắng mặt.

“Sau đó, đối với các bang yêu cầu nộp phiếu bầu qua đường bưu điện, cử tri điền vào phiếu bầu đã nhận được và nộp cho cơ quan đại diện ở nước sở tại. Các cơ quan này sẽ giúp cử tri gửi phiếu bầu về Mỹ. Tại Việt Nam, cử tri Mỹ có thể đến bỏ phiếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM”, bà Eyrich thông tin.

bau cu My anh 1

Scott Wiedmann, Phó giám đốc Chương trình Hỗ trợ Bỏ phiếu Liên bang Mỹ, cho biết cử tri phải gửi yêu cầu bầu cử vắng mặt từ ít nhất 30 ngày trước ngày bầu cử. Khoảng 20 tiểu bang yêu cầu cử tri gửi lại phiếu qua đường bưu điện, trong khi các bang khác chấp nhận phiếu bầu gửi trực tuyến hoặc qua fax, theo Washington Post.

Số liệu thống kê của Chương trình Hỗ trợ Bỏ phiếu Liên bang Mỹ cho thấy khoảng 2,9 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu từ nước ngoài. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, chỉ có khoảng 4,7% số này, tức hơn 130.000 người, đã bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc trực tuyến. Đối với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tỷ lệ này là khoảng 7%, vẫn ở mức thấp so với 60,2% cử tri trong nước đi bầu.

Trong năm nay, cuộc bầu cử Mỹ được dự đoán sẽ phá vỡ kỷ lục về lượng phiếu bầu gửi qua đường bưu điện do ảnh hưởng của Covid-19.

Khoảng một nửa số bang của Mỹ đặt thời hạn nhận phiếu bầu vắng mặt là trong ngày 3/11, ngày bầu cử toàn quốc. Số còn lại chấp nhận phiếu bầu gửi từ nước ngoài có dấu bưu điện trước ngày 3/11 và được gửi tới trong một khoảng thời gian nhất định sau ngày này, ông Wiedmann nói, theo Washington Post.

“Tại TP.HCM, cử tri Mỹ cần nộp phiếu cho tổng lãnh sự quán trước 13/10 để đảm bảo phiếu được gửi về Mỹ đúng thời hạn quy định”, bà Eyrich nói với Zing.

Sau ngày này, các cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trực tuyến vẫn có thể tham gia bầu cử.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM nhận phiếu bầu trong giờ hành chính vào các ngày trong tuần. Tuy nhiên, khung giờ này đôi khi gây bất tiện vì trùng giờ làm việc của cử tri, chưa kể đến quy trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt tại các cơ quan đại diện.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã tổ chức một số sự kiện buổi tối và ở các địa điểm có không gian mở để công dân dễ dàng tiếp cận.

Trả lời Zing từ sự kiện hỗ trợ cử tri tối 7/10 tại một khu ẩm thực ở quận 2, trưởng Phòng Dịch vụ Công dân Mỹ cho biết sự kiện nhận được sự hưởng ứng khá tốt vì có nhiều người Mỹ sống ở khu vực này.

Trong khoảng 4 tuần qua, mỗi tuần Tổng lãnh sự quán Mỹ đều tổ chức một sự kiện với mục đích tương tự, nhưng sự kiện này có lẽ thu hút được sự tham gia đông đảo nhất vì đã gần tới ngày bầu cử.

bau cu My anh 2

Bà Kara Eyrich (phải), Trưởng Phòng Dịch vụ Công dân Mỹ thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, hướng dẫn cử tri bỏ phiếu tại sự kiện ở quận 2 tối 7/10. Ảnh:Hương Ly.

“Địa điểm này cũng thuận lợi hơn ở tổng lãnh sự quán, vì công dân không phải qua kiểm tra an ninh”, bà Eyrich nói.

Trưởng Phòng Dịch vụ Công dân Mỹ cho biết vào năm 2018, cũng có rất nhiều người quan tâm đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã nhận được khoảng 200-300 phiếu bầu vào thời điểm đó, nhưng số phiếu bầu hiện tại trong cuộc bầu cử năm nay đã vượt xa con số ấy.

“Tôi từng phục vụ cho các cơ quan đại diện của Mỹ ở Mexico và Thụy Sĩ trong năm bầu cử. Nhưng khi đó chúng tôi chỉ nhận được dưới 100 lá phiếu. Còn hiện tại, mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng chục phiếu bầu”, bà Eyrich nói.

Theo ghi nhận của Zing, trong 2 giờ đồng hồ, có hơn 20 công dân Mỹ đến sự kiện này để nhận tư vấn và bỏ phiếu. Một trong số đó là Sierra Cheveux, 32 tuổi, hiện làm việc cho một công ty du lịch của Hà Lan ở TP.HCM. Cô đến từ bang Wisconsin.

“Bang của tôi không cho phép bầu cử trực tuyến, nhưng cử tri có thể gửi yêu cầu bỏ phiếu vắng mặt qua mạng và sau đó chính quyền sẽ gửi mẫu phiếu bầu qua email”, chị Sierra nói với Zing.

Tương tự bang chị Sierra, bang Georgia của anh Copeland chỉ chấp nhận phiếu được gửi qua đường bưu điện.

“Nếu người nào đó bỏ phiếu, dù là bầu cho Tổng thống Donald Trump hay ông Joe Biden, thì ít nhất họ cũng đã bỏ phiếu. Càng nhiều cử tri bỏ phiếu càng tốt, vì như vậy nghĩa là chính quyền chúng tôi sẽ có thể đại diện cho nhiều người Mỹ hơn”, anh nói.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi đầu năm nay, nhóm Democrats Abroad Vietnam đã giúp khoảng 700 cử tri Mỹ bỏ phiếu từ Việt Nam, không phân biệt đảng phái. Các sự kiện của nhóm thường được tổ chức vào buổi tối, trong các quán bar hoặc cà phê ở TP.HCM.

Tại đây, người Mỹ có thể mang lá phiếu đến nhờ hướng dẫn và nộp lại. Sau đó, các tình nguyện viên trong nhóm sẽ mang phiếu bầu đến Tổng lãnh sự quán Mỹ gửi vào giờ hành chính.

Chia sẻ với Zing, ông Gregory Dolezal, trưởng nhóm Democrats Abroad Vietnam, cho biết nhiệm vụ chính của nhóm là giúp các cử tri Mỹ tìm được thông tin hữu ích về cách gửi phiếu bầu về nước.

“Dựa trên trải nghiệm của chúng tôi khi giúp đỡ những cử tri Mỹ ở Việt Nam, tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là việc gửi phiếu bầu qua bưu điện. Covid-19 tác động xấu đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng, cũng như ảnh hưởng đến bưu phí. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến giao thông hàng không, tàu thuyền và hàng hóa. Đôi khi hàng hóa bị kẹt lại ở hải quan hoặc thời gian vận chuyển lâu hơn vì họ thiếu nhân viên, trong khi vẫn phải kiểm tra cẩn thận”, ông Dolezal nói.

bau cu My anh 4

Sở Bưu chính Mỹ đã đình chỉ dịch vụ thư tín đến khoảng 30 quốc gia. Thư tín từ Mỹ được vận chuyển chậm trễ có thể khiến các lá phiếu đến tay cử tri không đúng thời hạn.

Ngoài ra, để ngăn chặn Covid-19 lây lan, nhiều cơ quan đại diện của Mỹ trên khắp thế giới vẫn phải tạm thời đóng cửa. Trong khi số khác thông báo không nhận phiếu bầu hoặc không thể đảm bảo phiếu được gửi đến Mỹ đúng thời gian quy định, theo BuzzFeed News.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều sự kiện vận động bầu cử của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đã phải hủy bỏ. Quy mô các sự kiện được tổ chức cũng bị thu hẹp đáng kể, theo bà Eyrich.

“Dù vậy, ở Việt Nam, chúng tôi có điều kiện khá thuận lợi và cảm thấy may mắn hơn so với cơ quan đại diện ở các quốc gia khác trong kỳ bỏ phiếu này. Trong vài tháng qua, chúng tôi vẫn có thể tổ chức một số sự kiện tiếp cận cử tri”, bà Eyrich cho biết.

Đây cũng là thời điểm nước Mỹ phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác.

Reuters nhận định Tổng thống Trump đang cùng lúc đứng trước 3 thử thách lớn: Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất thế kỷ, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất thập kỷ và tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1960.

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện là quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất thế giới do Covid-19, với 8.214.754 ca bệnh và 220.133 ca tử vong tính đến ngày 20/10.

“Công bằng mà nói, mọi cuộc bầu cử đều quan trọng. Và lần nào mọi người cũng sẽ nghe được những khẩu hiệu kiểu như ‘Đây là cuộc bầu cử của cuộc đời bạn’. Nhưng trong trường hợp năm nay, điều này thực sự đúng vì Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng danh tính”, ông Greg nói, đề cập đến sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ hiện nay.

“Chúng tôi luôn có nhiều bên và luôn có những quan điểm khác nhau. Trước đây, người Mỹ luôn có thể chia sẻ cùng một mục tiêu, dù cách đạt được mục tiêu đó là khác nhau. Nhưng bây giờ tôi không chắc là chúng tôi có cùng mục tiêu nữa”, ông băn khoăn.

Từng tham gia bỏ phiếu năm 2016 nhưng lần này, chị Cheveux cảm thấy lo lắng hơn hẳn.

“Lần trước tôi cứ nghĩ mình biết chắc ai sẽ đắc cử, nhưng sau đó kết quả khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Lần này tôi lo là tôi có thể lại sai một lần nữa”, chị nói với Zing. “Tôi thấy cuộc bầu cử năm nay quan trọng hơn năm đó, vì nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề xảy ra khiến tôi thấy lo. Tôi muốn bạn bè và gia đình mình ở Mỹ được an toàn”.

Cùng tâm trạng lo lắng như chị Sierra, anh Copeland cho biết đã không còn tin vào kết quả khảo sát tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên tổng thống trong năm nay.

“Kết quả thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn trước nhưng nhiều khi những con số đó không có nghĩa lý gì. Kết quả nằm ở một số bang chủ chốt. Có thể có khác biệt rất lớn giữa những gì truyền thông đưa tin và những gì thực sự đang diễn ra ở những bang này. Đó cũng là lý do nhiều người Mỹ ngạc nhiên về kết quả bầu cử năm 2016”, anh nhận định.

Kết quả thăm dò do CNN công bố hôm 6/10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden đang bỏ xa đương kim Tổng thống Trump ở mức 16 điểm %. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump hiện ở mức 41%, so với con số 57% của ứng viên Biden.

Dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay là ai, anh Copeland và chị Sierra đều hy vọng tổng thống đắc cử sẽ xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 hiệu quả hơn, cũng như để tâm hơn đến bảo vệ môi trường vì đây là hai vấn đề còn ảnh hưởng tới người Mỹ trong thời gian dài.

“Tôi hy vọng tổng thống đắc cử đặt ra nhiều quy định ngăn chặn đại dịch hơn vì tôi muốn về nhà, thăm gia đình và bạn bè. Bây giờ dĩ nhiên tôi không thể vì tình hình ở Mỹ đang rất nghiêm trọng. Điều quan trọng ở đây là hệ thống chăm sóc sức khỏe, quyền tiếp cận giáo dục, sự công bằng và bình an cho người dân”, chị Sierra chia sẻ.

“Mọi thứ kết thúc càng sớm càng tốt. Không ai muốn một kịch bản như cuộc đua giữa cựu Tổng thống George W. Bush và đối thủ Al Gore”, anh Copeland nói, đề cập đến cuộc bầu cử năm 2000.

Vào năm này, kết quả kiểm phiếu của bang Florida được quyết định bởi Tòa án Tối cao Mỹ, và quyết định đó xoay chiều cả cuộc bầu cử, mang lại chiến thắng cho ông George W. Bush trước đối thủ Al Gore.

“Không ai muốn như vậy”, anh Copeland nhấn mạnh.

Theo Zing