Tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại trong nhiều công ty Nhật. Ảnh: Getty
Khoảng 10h tối, Chiara Terzuolo (sống tại Tokyo, Nhật Bản) và sếp mới xong cuộc họp cuối cùng trong ngày. Terzuolo bước đi trong cơ thể mệt mỏi, đói lả. Điều cô muốn làm nhất lúc này là cởi đôi giày cao gót và ăn tối.
Khi cùng các đồng nghiệp đi bộ đến nhà ga gần nhất, sếp quay sang hỏi cô: “Cô có nấu ăn cho chồng mỗi tối không?”.
Cô gái trẻ bị bất ngờ trước câu hỏi này. Đây là lần thứ 3 trong tuần cô phải họp đến tận tối muộn. Tuy nhiên, Terzuolo chỉ phản bác một cách khéo léo: “Chồng tôi làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh ấy tan làm đúng giờ và thường nấu ăn cho tôi”.
Cô không hiểu tại sao sếp lại hỏi mình như vậy trong khi cô lúc nào cũng phải về muộn vì công việc. "Có lẽ ông ấy nghĩ việc nội trợ luôn là nhiệm vụ của phụ nữ", Terzuolo bày tỏ.
Từ lâu, phân biệt giới tính đã là một định nghĩa được ăn sâu trong tiềm thức và phát triển mạnh mẽ trong môi trường công sở ở Nhật Bản, theo Savvy Tokyo.
Điều này dễ bắt gặp ở bất kỳ văn phòng, cơ quan nào ở xứ sở hoa anh đào. Khi phụ nữ đối mặt tình huống không thoải mái, đa số sẽ chọn cách im lặng thay vì lên tiếng. Họ sợ bị xem là kẻ gây rối và tẩy chay.
Im lặng cho qua chuyện
Hầu hết sự phân biệt giới tính đến từ những người có thâm niên trong công ty. Họ thường gọi những đồng nghiệp nữ bằng cách: “Ne!” (Này!) hoặc “OL” (Office ladies, tạm dịch: phụ nữ văn phòng) - người chăm sóc không gian làm việc và làm những nhiệm vụ nhỏ.
Theo Savvy Tokyo, sự phân biệt giới tính đã bị hạn chế nhiều với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nhiều chàng trai ở nơi làm việc vẫn dửng dưng trước những lời bình luận vu vơ có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của đồng nghiệp nữ.
Ngày nay, nữ giới Nhật Bản phải đối phó với những trường hợp tinh vi hơn của tư tưởng phân biệt giới tính.
Theo Terzuolo, một trong những thứ cần phải thay đổi nhất là cách phụ nữ được đề cập đến. Họ thường bị cấp trên gắn với hậu tố “chan” (mang nghĩa là bé nhỏ, một từ thường gọi trẻ em, nữ giới nhỏ tuổi hơn) hoặc “san” (một hậu tố cơ bản, dùng sau tên để không bị đánh giá là thất lễ).
Với nhiều tình huống, cách gọi này mang tính cười nhạo hơn là được sử dụng như một cách thân thiện.
Cách đây vài năm, trong một cuộc họp quan trọng với khách hàng, sếp của Terzuol đã giới thiệu cô là “kono onee-chan” - một thuật ngữ không thích hợp cho người đang chịu trách nhiệm bộ phận quan trọng. Terzuol đã rất tức giận, vì đây không phải là lần đầu tiên ông ta gọi cô và các nữ đồng nghiệp khác như vậy.
Nhiều phụ nữ Nhật không dám đấu tranh vì sợ rước họa vào thân. Ảnh: Financial Times.
Việc không đổi tên sau khi kết hôn là một cú sốc đối với hầu hết đồng nghiệp của Terzuolo. Cô cảm thấy khó hiểu và bày tỏ sự phản đối luật lệ này trước những đồng nghiệp nam. Khi mở ra một cuộc tranh luận, một số cô gái đã tỏ ra khá gay gắt về việc họ ghét phải thay đổi tên của mình.
Nhiều phụ nữ trong công ty của Terzuol không muốn trở thành tâm điểm của những bình luận phân biệt giới tính, nói xấu và trả lương thấp. Tuy nhiên, họ cũng sợ phải lên tiếng và bị gán là kẻ gây rối trong cơ quan.
Là người không phải gốc Nhật đầu tiên được tuyển vào công ty, Terzuol cảm thấy cô có thể giúp đỡ họ. Cô nhiều lần đưa ra các ý kiến mong muốn thay đổi quy định, tư duy lỗi thời với nhà quản lý - những người có ảnh hưởng nhất đến văn hóa của một tổ chức.
Cô cũng bày tỏ sự không đồng ý với việc thảo luận về ngoại hình, cân nặng của đồng nghiệp. Vì điều đó không liên quan đến trình độ và năng lực của một người.
Mặc dù những hành động này có vẻ quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt, nó cũng đủ để thay đổi một phần nào đó trong việc chống lại phân biệt giới tính.
Nhiều người mệt mỏi với quy định khắt khe, văn hóa lạc hậu tại cơ quan. Ảnh: Getty.
Sau thời gian hành động theo cách của mình và trải nghiệm nhiều công ty khác nhau, Terzuol thấy mọi thứ dần được cải thiện.
“Tôi thường xuyên nhắc nhở mình rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm và chính chúng ta mới là chất xúc tác cho sự thay đổi của xã hội”, cô gái trẻ nói.
Không lâu sau, một khóa đào tạo toàn công ty đã được tổ chức bất chấp sự khó chịu của một số thành viên. Họ mỉa mai đã rằng: “Bây giờ nói 'xin chào' chắc cũng bị coi là quấy rối tình dục”. Tuy khóa học chưa mang lại sự thay đổi lớn, nó vẫn được xem là một bước tiến mới để xóa bỏ tình trạng phân biệt giới tính hiện nay.
Theo zingnews