Biến đổi khí hậu đe dọa "bóp nghẹt" các hồ nước ngọt trên thế giới
Cập nhật lúc 09:47, Thứ bảy, 05/06/2021 (GMT+7)
Các nhà khoa học cho biết, nồng độ oxy giảm trong các hồ nước do biến đổi khí hậu sẽ gây hại đến động vật hoang dã và cả nguồn cung cấp nước uống cho con người.
Hồ Ammersee gần Munich, vùng Bavaria, Đức. Sự suy giảm khí oxy trong các hồ đã tăng tốc từ 3 đến 9 lần trong vòng 40 năm qua
Bên cạnh tác động từ biến đổi khí hậu đến các đại dương, sự suy giảm khí oxy trong các hồ đã tăng tốc từ 3 đến 9 lần trong vòng 40 năm qua. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học nhận thấy nồng độ oxy đã giảm 19% ở vùng nước sâu và 5% ở bề mặt.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature đã phân tích 45.000 hồ sơ nhiệt độ và oxy hòa tan được thu thập từ gần 400 hồ trên toàn thế giới. Hầu hết các dữ liệu bắt đầu vào khoảng năm 1980, riêng một số được ghi nhận từ năm 1941.
Nhiệt độ tăng do sự ấm lên toàn cầu là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi nồng độ oxy, vì nước ấm hơn không thể giữ được nhiều oxy. Hơn nữa, nhiệt độ mùa hè tăng lên làm cho lớp nước trên cùng của các hồ nóng hơn, nhẹ hơn so với lớp nước bên dưới, nghĩa là sự pha trộn bị giảm đi và lượng oxy cung cấp cho vùng nước sâu giảm xuống.
Nồng độ oxy tăng lên trên bề mặt của một số hồ. Nhưng điều này rất có thể là do nhiệt độ cao hơn khiến tảo nở hoa, đồng thời có thể tạo ra các chất độc nguy hiểm. Các nhà khoa học cho biết việc cắt giảm lượng khí thải để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là rất quan trọng, cũng như cắt giảm việc sử dụng phân bón nông trại và ô nhiễm nước thải đô thị, vốn cũng gây hại cho các hồ.
Giáo sư Kevin Rose, thuộc Học viện Bách khoa Rensselaer (RPI) ở Mỹ, là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Tất cả sự sống phức tạp đều phụ thuộc vào oxy và do đó, khi lượng oxy giảm xuống, môi trường sống của nhiều loài khác nhau cũng suy giảm".
Curt Breneman, trưởng khoa khoa học của RPI cho biết: “Nghiên cứu này chứng minh rằng vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở vùng nước ngọt so với đại dương, đe dọa nguồn cung cấp nước uống của chúng ta và sự cân bằng mong manh cho phép các hệ sinh thái nước ngọt phức tạp phát triển”.
Môi trường sống nước ngọt có nhiều cá, côn trùng, chim và động vật, rất quan trọng để làm thực phẩm và giải trí cho con người. Nhưng chúng đã bị tổn hại nặng nề, với quần thể động vật hoang dã trung bình đã giảm 84% kể từ năm 1970. Ngoài việc ấm lên và ô nhiễm toàn cầu, các nguyên nhân còn bao gồm việc sử dụng quá mức nước cho trồng trọt.
Hầu hết các hồ được khảo sát nằm trong vùng ôn đới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, nhưng cũng có một số hồ sơ từ các vĩ độ cao hơn, gần các cực hơn và đối với các hồ nhiệt đới ở châu Phi. Trong cả hai trường hợp, lượng oxy đều giảm như ở các hồ khác.
Trong các hồ có nồng độ oxy gần như bằng không, phốt pho có thể thoát ra từ lớp trầm tích, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho vi khuẩn. Chúng có thể sinh sôi nảy nở và tạo ra khí methane gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình nóng lên toàn cầu.
Mức độ oxy trong nước bề mặt đang tăng lên ở khoảng 1/5 số hồ được nghiên cứu, hầu hết tất cả đều dễ bị ô nhiễm. G.S Rose cho biết, đây là một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trên diện rộng của tảo nở hoa.
Nhiệt độ toàn cầu vẫn đang tăng, đẩy nồng độ oxy trong hồ xuống thấp hơn bao giờ hết, vì vậy thế giới cần phải có hành động để làm sạch các vùng nước ngọt. G.S Rose cho biết một ví dụ tích cực là hồ Oneida ở bang New York, nơi mà việc dọn dẹp đã dẫn đến độ trong của nước tốt hơn, từ đó cho phép quá trình quang hợp nhiều hơn từ tảo, giúp sản xuất lượng oxy dồi dào.
Theo phunuonline