Năng lượng tái tạo như điện gió được xem là giàu tiềm năng ở ĐBSCL - ĐÌNH TUYỂN
Kỳ vọng vào hợp tác với Việt Nam
Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu, bà có thể chia sẻ với chúng tôi những quan ngại của mình về môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL?
Bà Marie C.Damour: Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ĐBSCL. Đó là lý do tôi muốn đến Cần Thơ vào ngày Trái đất (22.4) để nhấn mạnh rằng vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ là mối quan tâm của người dân ĐBSCL, mà còn là sự quan tâm của mọi người trên toàn cầu.
Mỹ đang và sẽ triển khai những chương trình cũng như hành động gì để hỗ trợ ĐBSCL ứng phó những thách thức về biến đổi khí hậu?
Hiện biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Một trong những mục tiêu được chúng tôi đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu (diễn ra từ ngày 22 - 23.4) là nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của một quốc gia có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới (tức Mỹ) cần phải đặt ra mục tiêu tham vọng hơn khi thiết lập mục tiêu để giảm lượng phát thải và hỗ trợ giảm mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là một trong những nhà lãnh đạo phát biểu tại hội nghị.
Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là một trong những lý do để Mỹ triển khai chương trình Quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ vào năm ngoái. Chương trình này nhằm thu hút sự chú ý đến tình cảnh khó khăn của khu vực ĐBSCL và các cộng đồng đang sinh sống tại đây. Ai nấy đều muốn phát triển kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là phải hy sinh và khiến môi trường bị hủy hoại.
Bằng cách nào chúng ta có thể tận dụng sự khéo léo, để tạo ra những việc làm mới, những nghề nghiệp có chuỗi giá trị cao, để làm thay đổi những hệ thống năng lượng đang dựa dẫm vào nhiên liệu hóa thạch, loại tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và chuyển sang năng lượng bền vững. Và vì thế chúng tôi đang kỳ vọng vào cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Thúc đẩy sự minh bạch
Các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê Kông được chứng minh là có thể gây tổn hại đến dòng chảy của nước và nguồn cá ở khu vực hạ lưu. Lập trường của chính phủ Mỹ về vấn đề này như thế nào? Bà có thể vui lòng cập nhật tình hình chương trình Đối thoại chính sách Mê Kông - Mỹ 1.5?
Một trong những lý do Mỹ và các đối tác phát triển cái gọi là sáng kiến về dữ liệu nước đó là chúng ta cần phải biết mình đang có gì. Chúng tôi muốn đưa ra các quyết định dựa trên khoa học cụ thể, chúng tôi muốn đưa ra các quyết định dựa trên thông tin thực tế. Và một trong những điều mà chúng tôi muốn thúc đẩy là sự minh bạch từ mọi con đập thủy điện dọc theo thượng nguồn Mê Kông.
Có nhiều đập thủy điện tại các nước khác nhau, và họ chia sẻ dữ liệu dựa trên lượng mưa, luồng chảy của nước, hay mỗi khi họ xả nước ồ ạt, hoặc khi họ giữ lại thật nhiều nước, những hành động này gây ảnh hưởng lớn đối với các cộng đồng ở vùng hạ lưu, giống như nơi mà chúng tôi đã đến thăm tại Cần Thơ. Nếu có sự chia sẻ dữ liệu miễn phí, kịp thời, Ủy ban Sông Mê Kông có thể phối hợp với các nước. Mỹ luôn ủng hộ Ủy ban Sông Mê Kông suốt cả thập niên qua, và họ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối cách thức các cộng đồng hành động để bảo vệ hệ thống sông ngòi của khu vực.
Hiện một số công ty lớn của Mỹ đã đầu tư và hoạt động rất tốt trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm. Tôi kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào khu vực này và dự báo ngành năng lượng xanh sẽ là một lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư từ Mỹ |
Kỳ vọng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư
Bà có đánh giá gì về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại ĐBSCL?
Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội đầu tư. Hiện một số công ty lớn của Mỹ đã đầu tư và hoạt động rất tốt trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm. Tôi kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào khu vực này và dự báo ngành năng lượng xanh sẽ là một lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư từ Mỹ.
Tổng lãnh sự Marie C.Damour thăm cồn Sơn, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ
Với nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam dự kiến tăng với tốc độ khoảng 10%, đây là cơ hội để Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác ở mảng năng lượng xanh, chẳng hạn phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời và phát triển cơ sở hạ tầng của thủy điện.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ quan tâm nhiều đến việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Một trong những lý do tôi thích làm việc ở Việt Nam là ở đây tràn trề tiềm năng, tiềm năng hết sức thực chất chứ không phải cái gì đó mông lung. Đó là vì Việt Nam là đất nước của những con người hết sức thực tế, khéo léo và sáng tạo.
Nghị quyết quan trọng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL cách đây 3 năm và đang có những chuyển biến tích cực. Bà đánh giá thế nào về nỗ lực của nghị quyết này? Chúng tôi hoan nghênh Nghị quyết 120 của Chính phủ Việt Nam vì điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam cam kết giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực sông Mê Kông. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chính phủ T.Ư đóng vai trò rất quan trọng trong việc lập kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu bởi vì dòng sông Mê Kông đi qua nhiều tỉnh, thành phố và cộng đồng. Các lãnh đạo của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam chịu trách nhiệm về địa phương, nhưng họ không nhất thiết phải biết những gì đang xảy ra ở thượng nguồn hoặc những động thái ở đây đang gây ảnh hưởng đến người dân ở hạ nguồn đến mức nào. Do đó, việc chính phủ T.Ư ban hành một nghị quyết mang tầm nhìn rộng hơn nhắm hướng đến sự phát triển của ĐBSCL là vô cùng quan trọng. Vì thế, Mỹ muốn trở thành đối tác tốt của Việt Nam và hỗ trợ phát triển các công nghệ giúp chính phủ đưa ra các quyết định đúng đắn. |
Theo thanhnien