Lượng khí thải nhà kính không ngừng tăng lên trong khi hoạt động kinh tế thế giới lại trầm lắng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Các tổ chức nói trên đã đưa ra các báo cáo và quan điểm về biến đổi khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập, dự kiến sẽ tổ chức trực tuyến và bắt đầu vào thứ Năm tới, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020 do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc LHQ đã mô tả năm 2020 là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử. Điều đáng quan ngại là lượng khí thải nhà kính không ngừng tăng lên trong khi hoạt động kinh tế thế giới lại trầm lắng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Báo cáo dài 56 trang này còn ghi lại các chỉ số về khí hậu, bao gồm sự gia tăng nhiệt độ trên đất liền và đại dương, mực nước biển dâng, hiện tượng băng tan và tình trạng thời tiết khắc nghiệt.
“Trong năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt và khí hậu bất ổn, cộng với tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa”, Tổng thư ký LHQ - Antonio Guterres, cho biết. “Chúng ta cần phải hành động ngay trong năm nay và các nước phải cam kết không còn lượng khí thải độc hại trong không khí vào năm 2050”, Guterres kêu gọi.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các nước cam kết sẽ không để nhiệt độ trên thế giới tăng quá 2 độ C so với thời “tiền công nghiệp”. Trên thực tế, một số nước đã theo đuổi mục tiêu không để mức tăng nhiệt độ quá 1,5 độ C. Thế nhưng, theo dự báo của WMO, khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2024 sẽ ở mức 20%.
“Để nhiệt độ trung bình trên thế giới không tăng quá mức 1,5-2 độ C so với thời tiền công nghiệp, các nước phải thật sự tích cực giảm lượng khí thải nhà kính và phải làm điều đó ngay trong thập niên này. Nếu không, những tác động từ biến đổi khí hậu sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa và sẽ có thể kéo dài hàng thế kỷ”, Giám đốc WMO - Petteri Taalas cảnh báo.
Thống kê cho thấy năm 2020 là một trong 3 năm ấm nhất trên thế giới. Và 6 năm qua, bao gồm cả năm 2020, cũng là 6 năm ấm nhất được ghi nhận. Tại Verkhoyansk ở Nga, nhiệt độ đã lên đến 38 độ C vào ngày 20/6/2020, mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở vùng Bắc Cực. Báo cáo của WMO cũng cho biết mực nước biển đang dâng cao, trong khi quá trình tích nhiệt và axit hóa đại dương cũng đang tăng lên, làm giảm khả năng làm hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu của biển.
Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến đời sống của khoảng 710 triệu trẻ em ở 45 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi - Ảnh: BoF
Cũng trong năm 2020, thế giới đã phải hứng chịu số trận bão kỷ lục, trong đó có 30 cơn bão đi qua vùng Đại Tây Dương đã được đặt tên, làm ít nhất 400 người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 41 tỷ USD. Các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán nghiêm trọng và cháy rừng cũng dẫn đến thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ USD và làm nhiều người tử vong. Trong nửa đầu năm 2020, khoảng 9,8 triệu người đã phải di tản, chủ yếu do các thảm họa và thiên tai khí tượng thủy văn.
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em (STC) được công bố hôm 19/4, biến đổi khí hậu đang có nguy cơ tác động mạnh đến đời sống của khoảng 710 triệu trẻ em ở 45 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi.
STC đã công bố dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến thích ứng toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) cho thấy hàng trăm triệu trẻ em dưới 18 tuổi đang phải sống ở những vùng mà biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các em. “Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực tại địa phương và làm giá cả tăng cao, tác động nghiêm trọng đến các hộ gia đình nghèo nhất”, STC giải thích và cho biết 70% các quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ cao do tác động của biến đổi khí hậu hiện nằm ở châu Phi.
STC cũng đã kêu gọi tất cả các chính phủ có hành động ngay lập tức và quyết liệt, đồng thời cảnh báo rằng “tác động của khủng hoảng khí hậu có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em nữa trong nhiều thập niên tới”. Theo STC, các nước cần nhận thức rằng “khủng hoảng khí hậu chính là cuộc khủng hoảng quyền trẻ em vì các em là đối tượng chịu tác động trước tiên và nặng nề nhất”. STC cũng khuyên các nước nên tăng cường tài chính cho các hoạt động ngăn chặn biến đổi khí hậu, song song với việc “mở rộng quy mô các các chương trình thích ứng với tình trạng này, chẳng hạn như trợ cấp cho phụ nữ mang thai bà mẹ và trẻ em”.
Theo phunuonline