Cảnh sát bắn hơi cay vào một cuộc biểu tình trái phép trước tòa án ở Paris, Pháp, hôm 2/6, với sự tham dự của khoảng 20.000 người, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người nhằm ngăn chặn nCoV lây lan. Người biểu tình đã đốt thùng rác, xe đạp trên đường, ném đá vào cảnh sát, buộc họ đáp trả bằng đạn cao su. Cuộc biểu tình nhằm tưởng nhớ Adama Traore, một người da màu Pháp 24 tuổi thiệt mạng trong chiến dịch của cảnh sát năm 2016. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu nổ ra ở Mỹ tuần trước sau khi George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Phong trào sau đó lan rộng ra ít nhất 140 thành phố ở Mỹ và tới các nước khác.
Một phụ nữ tham gia biểu tình ủng hộ George Floyd ở Cổng Brandenburg, thủ đô Berlin, Đức, hôm 31/5 với dòng chữ trên áo "Hãy để chúng tôi thở". Khoảng 2.000 cũng tập trung trước sứ quán Mỹ ở Berlin và hai cầu thủ của giải bóng đá vô địch quốc gia Bundesliga đã mặc dòng chữ "Công lý cho George Floyd" hôm 1/6.
Floyd bị cảnh sát ghì cổ suốt gần 9 phút, dù đã kêu gào thảm thiết rằng anh "không thở được". Báo cáo khám nghiệm tử thi độc lập cho thấy Floyd chết vì "ngừng tim phổi do tác động kết hợp của việc bị nhân viên thực thi pháp luật khống chế và ghì gáy", thêm rằng đây là "một vụ giết người".
Tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50 người đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động hôm 2/6, chỉ ít phút sau khi bắt đầu cuộc biểu tình ủng hộ Floyd và lên án bạo lực của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 5 người đã bị giam giữ.
Hội trường St George ở thành phố Liverpool, Anh, thắp đèn màu tím để tưởng nhớ Floyd hôm 2/6.
Các cuộc biểu tình với khẩu hiệu "Mạng người da màu cũng quan trọng" cũng diễn ra ở thành phố Sydney, Australia, hôm 2/6.
Các họa sĩ Aziz Asmr và Anis Hamdoun phản đối phân biệt chủng tộc bằng bức graffiti chân dung của George Floyd tại thành phố Idlib, Syria, hôm 1/6.
Những người ủng hộ đảng Cộng sản Hy Lạp cầm biểu ngữ "Tôi không thể thở" trước sứ quán Mỹ tại thủ đô Athens hôm 1/6.
Trước lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, hôm 1/6, cũng diễn ra cuộc biểu tình "Tôi không thể thở".
Người da màu tuần hành ở thành phố Toronto, Canada, hôm 30/5.
Người biểu tình quỳ gối trước cảnh sát gần sứ quán Mỹ tại London, Anh, hôm 31/5.
Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở các thành phố của Hà Lan như Amsterdam và The Hague (trong ảnh). Người biểu tình giương cao biểu ngữ "Phân biệt chủng tộc cũng là một đại dịch" hôm 2/6.
"Nếu các bạn muốn tin rằng ở Hà Lan chúng ta không xảy ra vấn đề về chủng tộc thì hãy đi thẳng về nhà đi", Jennifer Tosch, người sáng lập công ty lữ hành chuyên cung cấp các tour tham quan liên quan đến người da màu, nói với đám đông tại Amsterdam. Tosch còn so sánh cái chết và của Floyd với cách các nô lệ bị đối xử hàng thế kỷ trước.
Biểu tình gần sứ quán Mỹ ở Copenhagen, Đan Mạch, hôm 31/5.
Người biểu tình ở Brussels, Bỉ, đeo thòng lọng ở cổ cầm biểu ngữ "một người đàn ông đã bị cảnh sát hành hình vào hôm qua"
Tranh chân dung George Floyd cùng hoa hồng tưởng niệm được gắn bên ngoài sứ quán Mỹ tại thủ đô Mexico City, Mexico, hôm 30/5.
Biểu tình dự kiến tiếp diễn những ngày tới tại Gambia, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Theo vnexpress