|
|
Suy thoái kinh tế càng trầm trọng hơn do hậu quả từ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn làn sóng lây lan mới nhất của đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bất ngờ hạ lãi suất hôm 15/8, sau khi ghi nhận các dữ liệu cho thấy hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại trên diện rộng trong tháng 7/2022, khiến giá dầu giảm mạnh và làm dấy lên lo ngại về suy thoái toàn cầu.
Theo đó, đi ngược với xu hướng toàn cầu, PBoC đã hạ lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay kỳ hạn một năm được áp dụng cho các tổ chức tài chính, qua đó "bơm" thêm 400 tỷ NDT vào thị trường.
Song song với đó, giá dầu thế giới cũng đi xuống sau khi số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 3,05 USD (3,1%) xuống 95,10 USD/thùng sau khi giảm 1,5% trong phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,68 USD (2,9%) xuống 89,41 USD/thùng sau khi giảm 2,4% trong phiên trước.
Trung Quốc: Cỗ máy tăng trưởng phải “phanh gấp”
Hiệu suất hoạt động quá thấp là tín hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong bối cảnh có một loạt thách thức kinh tế, bao gồm những ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của nước này và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Trong khi đó, xu hướng nhu cầu giảm từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gióng lên một hồi chuông báo động đối với các thị trường năng lượng.
Cũng giống như các ngân hàng trung ương khác, PBoC đang phải đối mặt với nhiều xung đột chính sách, khi các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi chặt chẽ chỉ số lạm phát và mức nợ vốn đang tăng cao.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế dường như được ưu tiên hơn, khiến ngân hàng trung ương quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1/2022, xuống 2,75%, mức giảm tương đương 10 điểm cơ bản.
Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế chuyên về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho biết, “dường như ngân hàng trung ương đã nhận ra rằng nền kinh tế đang gặp phải một vấn đề cấp bách hơn”.
Dữ liệu vào tháng Bảy cho thấy các động lực kinh tế hoạt động mờ nhạt, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại và dường như ít phản ứng với việc nới lỏng chính sách hơn so với thời kỳ suy thoái kinh tế trước đó.
Số liệu về cả doanh thu bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Bảy đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với các mức tăng lần lượt là 2,7% và 3,8%.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn so với dự báo tăng trưởng lần lượt là 5% và 4,6%, và cả hai chỉ số đều tăng chậm lại so với mức được ghi nhận vào tháng Sáu, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Diễn biến tại Trung Quốc đã khiến Phố Wall rơi vào trạng thái hỗn loạn trước khi “lội ngược dòng” và tăng điểm trong phiên giao dịch 15/8. Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 33.912,44 điểm.
Trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,4% lên 4.297,14 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 0,6% và đóng phiên ở mức 13.128,05 điểm.
"Đà phục hồi kinh tế đã chậm lại", phát ngôn viên chính phủ Fu Linghui nói trong một cuộc họp báo, hãng tin AP đưa tin. Theo phát ngôn viên này, Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố các nền tảng phục hồi kinh tế.
Trong nhiều tháng, một lượng lớn người mua nhà Trung Quốc đã từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án bán trước chưa hoàn thiện nếu như những công trình này không nối lại hoạt động xây dựng, khiến giá trị bất động sản sụt giảm.
Làn sóng “tẩy chay thế chấp”, xảy ra tại hơn 100 dự án bị trì hoãn, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường bất động sản có thể sụp đổ. Nếu điều này xảy ra, hệ thống tài chính quốc gia Trung Quốc có thể bị suy yếu, mang lại tác động xấu đối với kinh tế toàn cầu.
Trong hơn một thập kỷ, xây dựng và bất động sản là “bàn đạp” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đồng thời tạo ra một tầng lớp trung lưu mới nổi. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về tác động khủng khiếp của cuộc khủng hoảng thế chấp và những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng này có thể gây ra.
Suy thoái kinh tế càng trầm trọng hơn do hậu quả từ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn làn sóng lây lan mới nhất của đại dịch Covid-19. Năm ngoái, Trung Quốc đã nối lại nhiều hoạt động kinh tế trước đại dịch và trở thành nền kinh tế lớn đi đầu trong quá trình phục hồi, bất chấp những hạn chế về đi lại.
Tuy nhiên, sự phục hồi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các quốc gia theo đuổi những chính sách đối phó ít nghiêm ngặt hơn đã phần lớn mở cửa trở lại các doanh nghiệp, trường học và các dịch vụ chính phủ của họ.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Evans-Pritchard cho biết, trong một báo cáo nghiên cứu hôm 15/8, dữ liệu tháng Bảy cho thấy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đã mất đà do những biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt và làn sóng “tẩy chay thế chấp”, vốn đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho lĩnh vực bất động sản.
Cảnh báo suy thoái xuất hiện ở khắp nơi
Các dữ liệu kinh tế tiêu cực đã phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau của các thị trường tài chính và tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Những lo ngại về suy thoái toàn cầu đã gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, khiến giá dầu, lúa mì và phân bón tăng vọt.
Điều này cũng cho thấy bản chất phục hồi không đồng đều giữa các nền kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19. Tuần trước, một báo cáo lạm phát lạc quan đã được công bố tại Mỹ, trong khi dữ liệu về thị trường việc làm mới cũng cho thấy các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 528.000 việc làm trong tháng 7/2022, đưa chỉ số thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống 3,5% - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Thị trường việc làm Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ từ những tổn thất do đại dịch gây ra. Động lực này đã mang lại cho người lao động mức tăng lương cao lịch sử cũng như nhiều đòn bẩy trong công việc của họ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế và các quan chức Nhà Trắng vẫn cho rằng sự chậm lại trong tăng trưởng việc làm tại Mỹ, được ghi nhận vào tháng trước, là đáng lo ngại.
Lạm phát tại Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm và nền kinh tế cũng suy giảm trong phần lớn của năm 2022. Điều này khiến thị trường tài chính Phố Wall đánh mất hàng nghìn tỷ USD giá trị trong năm nay, chỉ số đo lường tâm lý người tiêu dùng cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tháng Sáu.
Cùng với Trung Quốc và Mỹ, dấu hiệu suy thoái đang xuất hiện ở khắp nơi. Ngày 21/7, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lãi suất trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát, chấm dứt kỷ nguyên “tiền rẻ” được thúc đẩy trong nhiều năm.
Hai tuần sau đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm - là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995 - và cảnh báo rằng kinh tế Anh sẽ bước vào một cuộc suy thoái kéo dài trước khi năm 2022 kết thúc.
Theo baoquocte