Chú thích ảnh
Bà Katrin Kandel. Ảnh: Hải Vân/TTXVN

Bà Katrin Kandel là Giám đốc điều hành tình nguyện của tổ chức Facing the World (FTW), một tổ chức từ thiện của Anh hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 nhằm hỗ trợ trẻ em mắc dị tật sọ mặt bẩm sinh. 

Khi phóng viên tò mò hỏi lý do gì khiến bà, một phụ nữ phương Tây hoạt động từ thiện, quan tâm tới các tác phẩm của Hồ Chí Minh, bà Katrin cho biết, cách đây khoảng 10 năm, trong một lần trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Anh khi đó là ông Nguyễn Văn Thảo, bà được biết đến Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng hình thành và phát triển nhà nước Việt Nam.

Bà Katrin chia sẻ, là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, bà muốn tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng như thế nào tới đất nước mà bà dành sự quan tâm rất lớn. Vì vậy, bà đã tìm đọc, không chỉ Tư tưởng Hồ Chí Minh mà tất cả các tác phẩm bằng tiếng Anh của Người.

Bà Katrin cho biết, bà cảm thấy việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dành gần 30 năm đi khắp nơi trên thế giới để tìm ra con đường giải phóng dân tộc là một điều thật phi thường. Trong hành trình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các hình thức chính phủ khác nhau của phương Tây để tìm ra cách thức phù hợp nhất nhằm mang lại tự do, độc lập cho một đất nước đã chịu sự xâm lược của nhiều quốc gia trong hàng trăm năm. Quan trọng hơn, đó là tìm ra cách thức giúp Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ, không bị phụ thuộc.

Theo bà Katrin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định con đường giải phóng dân tộc đúng đắn thông qua việc tham khảo các mô hình của phương Tây, xét đến đặc điểm, điều kiện thực tế của đất nước để tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất cho Việt Nam. Bà cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng cho những thành tựu Việt Nam đã đạt được, từ một đất nước chịu quá nhiều mất mát đã giành được tự do, độc lập, xây dựng và phát triển được bản sắc riêng, trở thành một đất nước hòa bình và mến khách.

Trong hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lọc và quyết định cách thức phù hợp nhất để giải phóng dân tộc, giành tự do cho nước nhà, thay vì áp dụng cứng nhắc các mô hình từ phương Tây. Theo bà Katrin, đây cũng chính là cách thức mà tổ chức FTW đang áp dụng trong hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức đã cử hàng trăm bác sĩ Việt Nam đến các bệnh viện hàng đầu thế giới, giúp họ lựa chọn và quyết định những phương pháp, công nghệ y học hiệu quả nhất với Việt Nam, mang về áp dụng cho người Việt Nam.

Bà Katrin chia sẻ, FTW không chọn cách tiếp cận áp đặt, thay vào đó giới thiệu tới các bác sĩ Việt Nam các phương pháp, công nghệ đang được áp dụng tại các bệnh viện trên thế giới để họ lựa chọn những gì phù hợp nhất cho Việt Nam. Theo bà, đây là lý do FTW thực sự coi trọng việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa tổ chức với không chỉ các bác sĩ giỏi mà với cả Chính phủ Việt Nam, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và tất cả các bệnh viện của FTW trên thế giới.

Là tổ chức từ thiện thành lập năm 2002 tại Anh, cho đến nay FTW đã hỗ trợ điều trị hàng chục nghìn bệnh nhi Việt Nam mắc dị tật sọ mặt. Tổ chức cũng gửi hơn 100 bác sĩ Việt Nam đi đào tạo tại các bệnh viện hàng đầu ở Anh, Australia, Canada và Mỹ. Ngoài ra, FTW đã tài trợ thiết bị và công nghệ khám chữa bệnh từ xa cho các trung tâm phẫu thuật sọ mặt tại Việt Nam với tổng giá trị 2,4 triệu bảng (khoảng 3 triệu USD).

Trong vòng 5 năm tới, FTW dự kiến sẽ hỗ trợ 40.000 cuộc phẫu thuật dị tật sọ mặt trẻ em do các bác sĩ Việt Nam được đào tạo thực hiện. Tổ chức cũng có kế hoạch gửi 200 bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, đồng thời tiếp tục tài trợ các thiết bị y tế và công nghệ phục vụ khám chữa bệnh từ xa.

Theo TTXVN