|
Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh Hoàng Thị Hạnh Trang. |
Nỗ lực vượt qua khó khăn thời đại dịch
Hoàng Thị Hạnh Trang là Phó Bí thư Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh. Hạnh Trang là nữ nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc mong muốn được kết nối với nhiều bạn trẻ cùng chung chí hướng cống hiến cho cộng đồng, cũng như có cơ hội tham gia nhiều hoạt động quốc tế, giao lưu với thanh niên các nước, cùng các lưu học sinh khác thực hiện sứ mệnh xây dựng hình ảnh đẹp về thanh niên Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong thời gian du học ở nước ngoài, cô luôn trăn trở làm sao để những du học sinh có khát khao trở về cống hiến cho nước nhà thực sự có cơ hội phát huy, vận dụng hết năng lực, kiến thức đã thu được khi du học.
Những năm trước dịch Covid-19, Đoàn TNCS lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, chia sẻ “cẩm nang” giúp tân sinh viên hoàn thành tốt nhất chặng đường du học; năm 2019, cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến “Tôi và Đảng của tôi”.
Từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, hầu hết du học sinh Việt Nam đã về nước ăn Tết, không thể quay lại Trung Quốc và phải học trực tuyến suốt gần ba năm, gây ra không ít khó khăn, bất ổn trong việc học cũng như đời sống tinh thần.
Năm 2021, trước tình hình làn sóng dịch Covid-19 thứ tư diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở nước ta, các thành viên Ban Cán sự Đoàn tại Trung Quốc đã có những hoạt động thiết thực chung tay góp sức vào công tác phòng chống dịch tại địa phương như tham gia khám sàng lọc cho đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 của phường, tham gia tổ Covid-19 cộng đồng phường... để cùng cả nước chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Trong thời gian đó, phần lớn du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đang học trực tuyến ở trong nước và phân bổ ở khắp các tỉnh thành, tạo nên sự phân tán và thiếu ổn định về đối tượng, phạm vi của các hoạt động, phong trào tập thể.
Khi được hỏi, Hạnh bày tỏ mong muốn: “Tổ chức Đoàn sẽ có thêm những hình thức khen thưởng, động viên thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, thanh niên kiều bào xuất sắc, đồng thời, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tổ chức chương trình giao lưu nhằm gắn kết sinh viên Việt Nam ở sở tại nhiều hơn nữa”.
Mong muốn giao lưu học hỏi
|
Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Nga Lê Huỳnh Đức |
Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Nga Lê Huỳnh Đức cho biết, hiện có hơn 3.500 đoàn viên, thanh niên tại Nga, là lực lượng có trình độ, nhận thức cao, có tinh thần cống hiến, đau đáu hướng về Tổ quốc.
Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Nga mong muốn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện, quan tâm hơn nữa tới công tác Đoàn ngoài nước thông qua các hoạt động như giúp đỡ các tổ chức Đoàn hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, định kỳ tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình thanh niên, công tác Ðoàn ở ngoài nước, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Ðoàn, Hội cho cán bộ phụ trách công tác thanh niên ở ngoài nước.
Chia sẻ về những khó khăn của hoạt động Đoàn ở địa bàn rộng lớn như Nga, anh Nguyễn Khánh Duy, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Nga bày tỏ nguyện vọng được tập huấn nghiệp vụ công tác Ðoàn, Hội ở ngoài nước, cũng như được kết nghĩa, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thanh niên từ các tổ chức Đoàn trong nước.
Cần phát triển công tác Đoàn ngoài nước
|
Anh Trần Đại Thắng, Bí thư Ban Cán sự Đoàn tại Lào. |
Để phát triển công tác này, anh Trần Đại Thắng, Bí thư Ban Cán sự Đoàn tại Lào - nước láng giềng, chung đường biên giới và có quan hệ và tình cảm sâu sắc với Việt Nam cho rằng nên thành lập các tổ chức Đoàn dọc theo biên giới các tỉnh với Việt Nam.
Anh Thắng cho biết, hiện có hơn 190 đoàn viên, thanh niên Việt Nam học tập, sinh sống và lao động tại Lào.
Anh luôn trăn trở làm thế nào để thế hệ trẻ hai nước tiếp nối, vun đắp tình cảm hữu nghị truyền thống đó.
Chính vì vậy, anh Thắng đề xuất: “Trung ương Đoàn cần xây dựng tổ chức thanh niên tại các tỉnh của Lào, phối hợp với tổ chức thanh niên nước bạn xây dựng các chương trình hoạt động tại các địa phương, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết về quan hệ đặc biệt giữa thanh niên hai nước”.
Vun đắp tình hữu nghị quốc tế
|
Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore Nguyễn Thuý Quỳnh. |
Là sinh viên năm thứ hai ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học quốc gia Singapore (NUS), Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore Nguyễn Thuý Quỳnh tin rằng, những hoạt động giao lưu của người trẻ hai nước sẽ là cơ hội quý để tăng cường hợp tác và vun đắp tình hữu nghị Việt Nam và Singapore.
Tham gia công tác Hội ngay từ năm thứ nhất, Thúy Quỳnh nhận thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn vì cô được góp sức vào rất nhiều hoạt động ý nghĩa và bổ ích cho cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam ở đây.
Theo Thuý Quỳnh, là những người trẻ xa quê hương, cộng đồng người Việt trẻ ở Singapore luôn giữ tinh thần học hỏi và cầu thị để cố gắng tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích nhất áp dụng vào cuộc sống.
Trong thời gian học tập ở nước sở tại, họ luôn cố gắng tổ chức những hoạt động góp phần nâng cao kỹ năng và cơ hội việc làm cho sinh viên, cũng như góp phần phát triển nguồn lực trí thức trẻ là người Việt.
|
Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Thiện Quang (người trao cup, bên trái) trong hoạt động của cộng đồng du học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Thiện Quang cho rằng, mỗi bạn trẻ cần rèn luyện, trở thành những đại sứ đại diện cho thế hệ những người Việt Nam tươi mới và năng động, góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam và Hàn Quốc.
“Tôi mong rằng, các bạn trẻ sẽ chăm chỉ, hoàn thiện bản thân, mạnh dạn hơn trong thể hiện các quan điểm, tích cực đóng góp vào xã hội Hàn Quốc”, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc nói.
Là một trong những tổ chức của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá hoạt động hiệu quả, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc thường niên tổ chức Chương trình Hội thảo các nhà khoa học trẻ tại Hàn Quốc nhằm tạo sân chơi bổ ích, không gian giao lưu học tập của các nhà nghiên cứu người Việt đang sinh sống tại nước sở tại.
Sự kiện giúp các nghiên cứu sinh cùng trao đổi về học thuật, nghiên cứu với nhau, cùng nghe đánh giá từ các giáo sư đầu ngành của Hàn Quốc, nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cũng phối hợp cùng Văn phòng Khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức các chương trình đối thoại thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học.
Anh Trần Thiện Quang cho biết thêm: “Chúng tôi còn liên kết các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tạo ra các cơ hội việc làm, tạo tiền đề vững chắc cho các sinh viên trong việc lựa chọn ngành học khoa học công nghệ trên con đường du học, gián tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nguồn nhân lực tương lai của đất nước”.
Theo baoquocte