leftcenterrightdel
 Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, phát biểu tại sự kiện.

"Nếu nghĩ rằng bản thân hay ai đó có khả năng là nạn nhân của mua bán người, có thể liên hệ với đường dây nóng nào để trợ giúp?".

"'Để xác minh tính hợp pháp và mức độ uy tín của doanh nghiệp dịch vụ (hay thường gọi là công ty môi giới/xuất khẩu lao động), chỉ cần yêu cầu họ cho xem giấy phép kinh doanh'. Đây là nhận định đúng hay sai?".

"Đâu là những giấy tờ không thể thiếu khi đi lao động ở nước ngoài?".

Đây là 3 trong số những câu hỏi liên quan đến vấn đề mua bán người, di cư được đông đảo khán giả cùng tham gia thảo luận trong khuôn khổ chương trình "Đối thoại cùng lãnh đạo: Phụ nữ và thanh thiếu niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người", diễn ra ngày 2/8 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên đối thoại giữa thanh niên và lãnh đạo về chủ đề phòng, chống mua bán người được tổ chức bởi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Vương quốc Anh.

Sự kiện cũng thuộc chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người của Việt Nam, diễn ra từ ngày 1/7 đến ngày 30/9.

Trẻ em trong nạn mua bán người

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết theo số liệu thống kê từ Tập đoàn Dữ liệu Chống buôn người, số vụ mua bán người trên toàn cầu năm 2023 là hơn 156.000 vụ, diễn ra ở 189 nước với nạn nhân từ 187 quốc tịch khác nhau.

Trong đó, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán. Trẻ em là nạn nhân của mua bán người phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, ép buộc lao động, bị bán làm vợ, phải tham gia các cuộc xung đột hoặc các hoạt động phi pháp.

"Những vết sẹo về thể chất và tâm lý của những tội ác của nạn mua bán người mà trẻ em phải gánh chịu sẽ tồn tại dai dẳng cho đến tuổi trưởng thành, cướp đi sự hồn nhiên, tương lai và các quyền cơ bản của các em", bà Hương nhận định. 

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, cũng trích dẫn Báo cáo Toàn cầu về Mua bán Người của UNODC cho biết trung bình cứ 3 nạn nhân bị mua bán trên toàn cầu thì có một trẻ em.

Kết quả từ nghiên cứu chung của IOM và Đại học Harvard cũng cho thấy không có nhóm tuổi, giới tính hay quốc tịch nào không thể là nạn nhân của mua bán người. Trong hơn 50% trường hợp, chính các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè lại là những người có liên quan.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Cũng tại sự kiện, từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm mua bán người, Thượng tá Đinh Văn Trình thuộc Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an chỉ ra những phương thức, thủ đoạn mà loại tội phạm này đang áp dụng.

"Tội phạm luôn đi cùng với sự phát triển của công nghệ. Có lẽ bao quát nhất của tội phạm buôn người hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin, môi trường mạng để thực hiện hành vi phạm tội", ông nói.

Cụ thể, các đối tượng xấu sử dụng môi trường mạng, các nền tảng Internet để tiếp cận, làm quen, dụ dỗ, tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao và đưa đến khai thác bóc lột các nạn nhân.

leftcenterrightdel
 Đại diện một số đơn vị chia sẻ với thanh niên về thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người. 

Thượng tá Trình cho biết trước đây, chủ yếu các đối tượng làm quen, quen biết trực tiếp với nạn nhân, song bây giờ chỉ cần kết nối trên không gian mạng. Thủ đoạn dụ dỗ của chúng thứ nhất là "việc nhẹ lương cao", sau đó đưa nạn nhân ra nước ngoài hoặc vùng sâu vùng xa, vùng biên để làm việc, bóc lột. Thứ hai, chúng lợi dụng Internet để tiếp cận những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, dụ dỗ ra nước ngoài làm vợ một cách bất hợp pháp để lấy tiền. Thứ 3, các đối tượng tiếp cận nạn nhân là những phụ nữ có nhu cầu cho nhận con nuôi, mang thai hộ, mua bán thận để thực hiện hành vi phạm tội.

"Đây là những thủ đoạn rất tinh vi, được áp dụng không chỉ ở khâu vận chuyển, bóc lột mà cả ở những khâu chúng dùng để che giấu tội phạm. Sau khi các đối tượng kết nối từng khâu một, phân công nhau, chúng xóa hết đường link để tránh bị lần dấu vết, gây cản trở công tác điều tra, hỗ trợ giải cứu nạn nhân. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận các nguồn thông tin trên môi trường mạng để tránh rơi vào bẫy do tội phạm buôn người giăng ra", Thượng tá Trình nhận xét.

Chung nhận định, Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng, công tác tại Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho rằng mạng xã hội hiện nay không còn là thuật ngữ mới, nó mang lại nhiều lợi ích to lớn như chia sẻ thông tin, gắn kết mọi người.

"Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, giải trí, kinh doanh, nhưng nó cũng là môi trường để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Chúng có thể tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân thông qua các nền tảng này để lừa đảo các vấn đề liên quan đến việc làm, ví dụ như xuất khẩu lao động", Thiếu tá Tùng nói.

Thanh niên là những người dẫn đầu

Dù những kẻ mua bán người có xu hướng lợi dụng các nền tảng trực tuyến để “giăng bẫy” lao động trẻ, những người hoạt động sôi nổi trên không gian mạng, song bà Pauline Tamesis cho rằng chính những người trẻ cũng nắm giữ sức mạnh để kiến tạo thay đổi, chống lại loại tội phạm nguy hiểm này.

Theo bà, với sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy với công nghệ, các bạn trẻ có khả năng phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm chống lại nạn mua bán người trong thời đại kỹ thuật số.

“Trong nỗ lực hợp tác chặt chẽ để giải quyết hiệu quả những thách thức do mua bán người gây ra, chúng ta cần tạo điều kiện để thanh thiếu niên trực tiếp tham gia xây dựng thông điệp vận động cho các chiến dịch phòng, chống mua bán người. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để tạo ra một môi trường cởi mở hơn nữa cho các hoạt động truyền thông, vận động do thanh thiếu niên dẫn đầu nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, đồng thời hỗ trợ người trẻ phát huy hết tiềm năng của mình”, bà Pauline Tamesis phát biểu.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cũng đồng tình, cho biết theo số liệu thống kê đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng Internet và số lượng người dùng mạng xã hội là gần 73 triệu người, chiếm 73,3% dân số.

leftcenterrightdel
 Sự kiện thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ, sinh viên. 

Theo bà Hương, Internet và các thiết bị di động phổ biến, dễ tiếp cận và sử dụng vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế, nhưng cũng làm tăng nguy cơ khiến họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Internet và không gian mạng xã hội là môi trường phù hợp để truyền đi nhanh chóng và hiệu quả các thông điệp về phòng, chống mua bán người và di cư lao động an toàn tiếp cận với đại đa số người dân.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng xác định sinh viên, học sinh vừa là đối tượng nhắm đến của loại tội phạm mua bán người, đồng thời vừa là lực lượng tích cực dẫn đầu trong công tác này.

"Với sức trẻ, nhiệt huyết và vốn kiến thức được bồi đắp qua những hoạt động, sự kiện truyền thông, các em thanh thiếu niên chắc chắn sẽ đóng góp một phần to lớn tạo nên cuộc sống bình yên, an toàn và lành mạnh cho chính các em và toàn xã hội", bà Hương bày tỏ.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam, nhận định rằng những nỗ lực chỉ đạo của Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong công tác hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi năm 2011, là những cột mốc đáng chú ý và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với loại tội phạm này.

Việc sửa đổi luật sẽ đặt nền tảng vững chắc hơn để giải quyết các xu hướng ngày càng phức tạp của nạn mua bán người vốn đang trở nên phức tạp hơn do những thách thức về kinh tế - xã hội.

Theo lifestyle.znews