Phiên xử kín bắt đầu trong bí mật, với hai bị cáo - cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và tổng thống bị phế truất Win Myint xuất hiện qua video. Luật sư biện hộ thậm chí không biết phiên tòa đang diễn ra. Khi luật sư gấp rút tới tòa vào chiều 16/2, phiên xử đã hết, theo New York Times.
Theo Reuters, luật sư của cựu cố vấn nhà nước Myanmar thông báo phía cảnh sát vừa gửi thêm cáo buộc thứ hai nhắm vào bà Aung San Suu Kyi cho tòa án.
Theo Kin Maung Zaw, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, cáo buộc thứ hai mà phía cảnh sát nộp cho tòa án liên quan đến vi phạm luật về ứng phó thiên tai của Myanmar. Trước đó, cảnh sát cáo buộc bà vi phạm luật xuất nhập khẩu khi mua trái phép bộ đàm từ nước ngoài.
|
Người dân Myanmar biểu tình tại thành phố Yangon vào ngày 15/2, kêu gọi quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ảnh:Reuters. |
Luật sư Kin Maung Zaw xác nhận bà Aung San Suu Kyi đã có trình diện trước thẩm phán qua cuộc gọi trực tuyến.
Tòa chọn hình thức này vì các quy định phòng chống dịch Covid-19. Luật sư của bà Aung San Suu Kyi không được cho tham dự cuộc gọi trực tuyến vì họ chưa được thừa nhận quyền biện hộ cho thân chủ, theo Reuters.
Trả lời truyền thông về tình hình sức khỏe của cựu cố vấn nhà nước Myanmar, ông Khin Maung Zaw cho biết: "Chưa có thông tin gì, nhưng đó có lẽ là điều tốt. Chúng tôi vẫn chưa nhận được hay nghe ngóng được tin xấu nào".
Buổi đối chất tiếp theo của phía bà Aung San Suu Kyi trước tòa án sẽ diễn ra vào ngày 1/3.
Chính trị gia 75 tuổi bị bắt giữ vào ngày 1/2 cùng nhiều lãnh đạo dân cử và chính trị gia trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) , trong cuộc chính biến của quân đội. Phía quân đội cáo buộc cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 xảy ra gian lận và buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Thống tướng Min Aung Hlaing đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử lại sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào năm 2022. Ông cũng hứa trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng và cảnh báo người biểu tình đang đe dọa lợi ích quốc gia.
Nhiều cuộc biểu tình đã bùng phát ở các thành phố lớn tại Myanmar trong hơn 2 tuần qua. Người dân phản đối chính quyền do quân đội lãnh đạo và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Theo Zing