Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (giữa) cùng các bộ trưởng đeo khẩu trang khi ra thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế hôm 6-4 - Ảnh: AFP
Một số nước châu Âu đã chuẩn bị cho cửa hàng, trường học mở cửa trở lại. Nhưng chưa có nước châu Âu nào cho phép tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Các nước EU cũng chưa công bố thời gian mở cửa biên giới riêng trở lại.
Áo vẫn bắt buộc mang khẩu trang
Áo là quốc gia đầu tiên trong EU công bố lộ trình nới lỏng phong tỏa. Các cửa hàng nhỏ, tiệm bán vật liệu kim khí và dụng cụ làm vườn hoạt động trở lại từ ngày 14-4. Chế độ làm việc từ xa vẫn duy trì đến cuối tháng 4. Các cửa hàng khác, trung tâm thương mại, tiệm cắt tóc mở cửa lại từ ngày 1-5. Sau đó giữa tháng 5 đến lượt nhà hàng và khách sạn.
Tuy nhiên, Áo vẫn bắt buộc mang khẩu trang trong siêu thị và giao thông công cộng. Đến cuối tháng 4, chính phủ mới quyết định có gia hạn thời gian học tại nhà đến giữa tháng 5 hay không. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo: "Những người tin rằng tình hình đang được kiểm soát là sai".
Na Uy, Đan Mạch ưu tiên mở cửa trường học
Na Uy ưu tiên mở cửa lại các trường học vì đã giảm các biện pháp hạn chế từ giữa tháng 3. Thủ tướng Erna Solberg thông báo từ ngày 24-4 sẽ mở cửa lại các nhà trẻ, trường mẫu giáo và một tuần sau đến các trường tiểu học. Các trường khác sẽ học lại trước mùa hè.
Tại Đan Mạch, các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường tiểu học sẽ mở cửa trở lại từ ngày
15-4, còn học sinh trung học phải đợi đến ngày 10-5. Đan Mạch vẫn duy trì nhiều biện pháp hạn chế khác như kéo dài lệnh cấm tụ tập hơn 10 người đến ngày
10-5; tiếp tục đóng cửa các cơ sở tôn giáo, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng, vũ trường, tiệm cắt tóc, trung tâm thương mại.
Thủ tướng Mette Frederiksen so sánh quyết định nới lỏng phong tỏa giống với đi dây, nên phải làm thận trọng từng bước. Bà cảnh báo: "Chúng ta sẽ phải sống với nhiều hạn chế trong nhiều tháng nữa".
Tương tự Áo, Chính phủ Slovenia dự kiến từ ngày 14-4 bắt đầu giảm dần các biện pháp hạn chế. Các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ nếu cam kết bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng, đồng thời sử dụng dụng cụ bảo hộ nghiêm ngặt sẽ được phép hoạt động trở lại.
Thụy Sĩ thông báo đến ngày 16-4 sẽ công bố kế hoạch nới lỏng hạn chế và có hiệu lực trước cuối tháng 4. Trong khi đó, Bồ Đào Nha và Hi Lạp đang xem xét trở lại cuộc sống bình thường vào tháng 5.
Ba yếu tố nới lỏng phong tỏa
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo tình hình châu Âu vẫn "rất đáng quan tâm" và khẳng định "bây giờ chưa phải lúc nới lỏng các biện pháp". Ông ghi nhận châu Âu vẫn còn là tâm dịch với 7/10 nước bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất thế giới. Không có nước nào dự kiến nới lỏng phong tỏa nằm trong 7 nước châu Âu này.
Trong khi đó, trao đổi với Đài CNN, TS Peter Drobac ở Said Business School (Đại học Oxford ở Anh) ghi nhận kế hoạch nới lỏng hạn chế của các nước châu Âu hợp lý, thông minh và tiến hành từng bước nên các nước đủ sức bám diễn biến dịch và sẵn sàng lùi bước nếu các ca nhiễm gia tăng.
Ông nhận xét các nước này có điểm chung là chủ động đối phó với dịch ngay từ đầu, thực hiện các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tăng cường xét nghiệm nhanh chóng. Do đó, số ca tử vong chỉ vài chục hay vài trăm.
Ông cho rằng các nước khác nếu muốn nới lỏng phong tỏa cần đáp ứng ba tiêu chí chung: số ca nhiễm mới phải giảm đều; hệ thống y tế đủ sức đối phó mà không cần áp dụng các biện pháp khủng hoảng như xây dựng bệnh viện dã chiến; cần một hệ thống đủ sức xét nghiệm hàng loạt, theo dõi và cách ly sớm trước khi người bệnh lây nhiễm.
Châu Âu muốn đóng cửa biên giới thêm một tháng Ngày 8-4, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị tiếp tục đóng cửa biên giới EU và không gian Schengen đến ngày 15-5. Quyết định trước đó ban hành hôm 17-3 dự kiến kéo dài 30 ngày. Phó chủ tịch EC Margaritis Schinas nhận định biện pháp đóng cửa biên giới đã đạt kết quả ban đầu đáng khích lệ, vì vậy cần kéo dài thời hạn đóng cửa để tiếp tục giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. |
Theo tuoitre