leftcenterrightdel
 Người dân vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài
Gánh nặng do biến đổi khí hậu

Châu Phi - Lục địa đen với 1,2 tỷ dân - là quê hương của một số quốc gia ít chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhất nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt. Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nước châu Phi chiếm khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu nhưng ngày càng phải đối mặt với tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo số liệu từ trang wri.org của Viện Tài nguyên thế giới, biến đổi khí hậu đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái, nền kinh tế, xã hội của châu Phi. Trong năm nay, 1,8 triệu người dân châu Phi đã phải di dời do đợt hạn hán kéo dài. Congo trải qua lũ lụt kinh hoàng. Bão Freddy - Một trong những cơn bão mạnh nhất đổ vào châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho Malawi và Mozambique.

Chương trình Lương thực thế giới ước tính do hạn hán kéo dài, 22 triệu người ở vùng Sừng châu Phi không được bảo đảm an ninh lương thực, với hơn 5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Hạn hán và nạn đói đã ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm leo thang xung đột giữa các cộng đồng chăn nuôi.

Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết, trẻ em ở 48 trong số 49 quốc gia châu Phi được đánh giá có nguy cơ cao hoặc cực cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Các em dễ bị phơi nhiễm và dễ bị tổn thương trước lốc xoáy, sóng nhiệt và các cú sốc về khí hậu và môi trường khác, cũng như khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu. Trong số đó, các em sống ở Cộng hòa Trung Phi, Chad, Nigeria, Guinea, Somalia và Guinea-Bissau có nguy cơ cao nhất.

Theo Tổng thống Kenya William Ruto, quan điểm của châu Phi về hành động vì khí hậu sẽ là bảo vệ mạng sống của con người và hành tinh khỏi thiên tai. Còn bà Soipan Tuya - Bộ trưởng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Lâm nghiệp Kenya cho biết, hội nghị cung cấp một nền tảng để châu Phi củng cố tiềm năng và quan điểm hành động vì khí hậu, rút ra bài học từ phần còn lại của thế giới và cùng nhau định hình các giải pháp tài chính khí hậu nhằm trao quyền cho lục địa và truyền cảm hứng cho thế giới.

Thiết lập quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi là sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt do Kenya và Liên minh châu Phi đồng tổ chức. Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng xanh và các giải pháp tài chính khí hậu cho châu Phi và thế giới”, hội nghị là cơ hội để châu Phi củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua các giải pháp tài chính khí hậu. Đồng thời giới thiệu tiềm năng của châu lục, thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh.

Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo từ 54 quốc gia ở “Lục địa đen” để xác định tầm nhìn chung về phát triển xanh của châu Phi - Một mục tiêu đầy tham vọng trong một khu vực đa dạng về chính trị và kinh tế, nơi có những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đang thúc đẩy những công cụ tài chính dựa trên thị trường như tín dụng carbon nhằm huy động nguồn tài trợ. Các bộ trưởng môi trường, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà vận động khí hậu đã thảo luận về cách mở rộng quy mô tài chính khí hậu và thị trường carbon, đầu tư để thích ứng với nhiệt độ tăng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Các nhà tổ chức dự đoán những thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD sẽ được công bố tại hội nghị.
leftcenterrightdel
Tổng thống Kenya William Ruto phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi 

Bên cạnh mục tiêu hành động hướng tới một tương lai công bằng và bền vững nhằm bảo vệ người dân và cộng đồng, hội nghị lần này còn chuẩn bị một mặt trận phối hợp từ các nhà lãnh đạo châu Phi để kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng. Tất cả nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2023 (COP28) diễn ra vào tháng 12 tới. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Nairobi về biến đổi khí hậu, nêu chi tiết nhiều cam kết phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, bảo tồn rừng và hơn thế nữa.

Để thành công trong công cuộc chiến khí hậu nói riêng và cuộc chuyển đổi sinh thái nói chung, châu Phi cần được đầu tư gấp bội. Một mặt để phát triển các năng lượng tái tạo, thích nghi với biến đổi khí hậu, mặt khác để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, các nguồn ‘‘đa dạng sinh học’’ được coi là thế mạnh lớn của châu lục, cụ thể như với vùng rừng Congo được coi là ‘‘lá phổi’’ của Trái đất.

Tại Đông Phi, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) hỗ trợ Tanzania giảm tác động có hại của mực nước biển dâng bằng cách đầu tư vào đê biển, khôi phục rừng ngập mặn và xây dựng hệ thống thu nước mưa… Nhờ đó, các cộng đồng ven biển giờ đây có khả năng ứng phó tốt hơn với hiện tượng mực nước biển dâng cao. Chương trình cũng đã cải thiện sức khỏe của người dân thông qua việc tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn.

Theo thoidai