leftcenterrightdel
 Thu hoạch lúa trong mô hình lúa tôm ở xã Phú Tân huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang (Ảnh: TTXVN).
Tân Phú Đông là một huyện đảo ven biển thuộc tỉnh Tiền Giang với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Do biến đổi khí hậu, huyện bị xâm nhập mặn và hạn hán, tác động tiêu cực đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước ngọt và trồng lúa. Độ mặn ngày càng tăng, nông dân không thể trồng hai vụ lúa mỗi năm ở vùng này.

Để có thể chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, mô hình tôm lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm – 1 vụ lúa) đã được phát triển. Đây là một hệ thống canh tác lúa – tôm trong cùng một diện tích với việc luân canh trồng lúa trong mùa mưa và nuôi tôm trong mùa khô. Trong mô hình này, vụ tôm thường từ tháng 1 đến tháng 8 và vụ lúa tháng 9 đến tháng 12. Cuối tháng 12, nông dân thu hoạch lúa, kết hợp với cải tạo đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ tôm. Khi áp dụng mô hình này, hiệu quả kinh tế tăng lên. Mô hình này cũng được điều chỉnh theo sự dao động giữa nước mặn và nước ngọt ở khu vực này, do mực nước biển dâng.

Theo đại diện Tổ chức Liên minh Na Uy, mô hình quảng canh tôm lúa cải tiến được xem là bền vững nhất trong tất cả các mô hình nuôi tôm – lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này đòi hỏi mức đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện tài chính và kỹ thuật canh tác hiện tại của các hộ gia đình nông thôn. Tổ chức Liên minh Na Uy hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, đầu tư mua giống lúa có khả năng chống chịu mặn và tôm giống. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng hỗ trợ khử mặn và cải tạo đất.
leftcenterrightdel
 Cây sả đã giúp rất nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang thoát nghèo vươn lên làm giàu (Ảnh: Nhân Dân).

Ngoài con tôm, Tân Phú Đông còn xây dựng vùng trồng sả chuyên canh có diện tích trên 3.700 ha trên đất lúa nhiễm mặn canh tác một vụ/năm trước đây. Đây là vùng chuyên canh sả lớn nhất khu vực sông Tiền, sản lượng mỗi năm gần 60.000 tấn sản phẩm. Cây sả có thể thích ứng với vùng đất xâm nhập mặn, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước canh tác như huyện đảo Tân Phú Đông. Vào mùa khô, nếu thiếu nước, sả có thể sống sót với nước có độ mặn thấp. Đây là một lợi thế lớn khiến sả được chọn làm cây trồng kinh tế chủ đạo ở vùng mặn.

Bên cạnh đó, để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, người nông dân Tân Phú Đông chủ động chuyển đổi sang trồng mãng cầu xiêm để thích nghi nhanh chóng. Đặc biệt, nông dân ghép mãng cầu xiêm lên gốc bình bát vì loại cây này có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn hoặc ngập úng và thậm chí có khả năng chống chịu với sự xâm nhập mặn và đất phèn.

Theo tính toán của Tổ chức Liên minh Na Uy, nếu một nông dân có 3.000m2 mãng cầu xiêm và chăm sóc tốt, mỗi năm lợi nhuận không dưới 100 triệu. Việc trồng và mua bán mãng cầu xiêm góp phần tạo việc làm cho người nghèo trên địa bàn này.

Tổ chức Liên minh Na Uy hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996. Những lĩnh vực can thiệp chính bao gồm Giáo dục hòa nhập, Tạo việc làm và Ứng phó với biến đổi khí hậu. Những dự án chính của tổ chức này được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu.

Ngoài việc tăng cường kiến thức và nhận thức, Tổ chức Liên minh Na Uy sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và phát triển các kỹ năng để người dân có thể đa dạng hóa thu nhập và thích nghi với mô hình sinh kế mới và mạnh mẽ hơn. Việc tiếp cận các khoản vay từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM) hoặc thông qua Nhóm tín dụng và tiết kiệm làng xã (VSLA) là công cụ quan trọng để hỗ trợ sự thay đổi này, cùng với việc kết hợp với việc củng cố kiến thức và năng lực cho người dân.

Theo thoidai