Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Phi, cho biết: “Nhiều quốc gia đang bị đặt trong tình trạng báo động nguy cơ cao, trong khi làn sóng COVID-19 thứ 3 đang tăng nhanh hơn bao giờ hết”.
WHO cho biết, tính đến giữa tháng 7, số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đã vượt mốc 6 triệu, tăng 1 triệu trường hợp trong vòng một tháng. Trước đó, số ca mắc mới tại châu Phi tăng từ 4 triệu lên 5 triệu trong 4 tháng. Mức tăng đột biến được ghi nhận ở các quốc gia như Algeria, Senegal và Rwanda.
|
Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 1,5% dân số châu Phi được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ |
Việc nới lỏng lệnh phong tỏa ở các nước và các biện pháp y tế công cộng không đầy đủ là một phần nguyên nhân dẫn đến đợt bùng dịch mới ở châu Phi, tuy nhiên yếu tố lớn nhất vẫn là sự chậm trễ trong việc tiêm chủng.
Bà Matshidiso Moeti cho biết, châu Phi vẫn đang tụt hậu về nỗ lực tiêm chủng COVID-19. Đến nay chỉ có khoảng 1,5% dân số ở châu lục này được chủng ngừa đầy đủ với khoảng 61 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm - ít hơn ở Nhật Bản, quốc gia có dân số khoảng 10% dân số châu Phi. Ngay cả cường quốc công nghiệp ở châu lục là Nam Phi cũng chỉ có khoảng 8% người dân được tiêm ít nhất một mũi vắc xin và 3% được tiêm chủng đầy đủ.
“Các nước châu Phi phải dốc toàn lực và đẩy nhanh việc triển khai vắc xin của họ lên gấp 5, 6 lần nếu muốn tiêm chủng đầy đủ cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất vào cuối tháng 9. Vắc xin là chìa khóa để ngăn chặn đại dịch và cứu sống con người, nhưng chúng ta vẫn phải tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên” - bà Matshidiso Moeti nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại châu Phi, Trung Quốc, Nga, Mỹ và châu Âu đang tăng cường viện trợ cho châu Phi khoảng 60 triệu liều vắc xin COVID-19, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho các nước trong châu lục.
Hồi cuối tháng 6, tập đoàn Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức viện trợ ở Pháp, Đức và Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ hợp đồng sản xuất vắc xin bằng cách cung cấp 600 triệu euro (700 triệu USD) cho nhà sản xuất thuốc Nam Phi Aspen Pharmacare.
Châu Phi gần đây ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc mới mỗi ngày, tuy nhiên việc xét nghiệm vẫn được thực hiện ít ở lục địa này. Hệ thống y tế yếu kém ở châu Phi đồng nghĩa với việc dù số ca mắc COVID-19 tăng ít cũng có thể áp đảo các bệnh viện trong khu vực.
Theo phunuonline.com.vn