Biến thể Delta, có khả năng lây lan nhanh hơn đang “càn quét” các nước châu Phi - khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và hệ thống y tế kém nhất thế giới, làm gia tăng lo ngại về khả năng một thảm họa y tế cộng đồng có thể lặp lại thảm kịch như từng xảy ra ở Ấn Độ hồi mùa xuân năm nay.
Nguy cơ làn sóng hủy diệt tồi tệ nhất từ trước tới nay
Tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đang khiến chính phủ các nước trên khắp thế giới phải siết chặt các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động kinh tế, xã hội, đã gây bất ngờ cho các chuyên gia y tế ở châu Phi, lục địa vốn ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 thấp hơn so với các khu vực khác một phần là nhờ dân số trẻ hơn. Một số chuyên gia cảnh báo rằng những người từng nhiễm các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể nhiễm biến thể Delta. Điều này đồng nghĩa với việc, phần lớn dân số ở “lục địa đen” có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ở Nam Phi, các gia đình đang phải lái xe đưa người nhà mắc bệnh chạy khắp nơi để tìm được một bệnh viện vẫn còn giường điều trị tích cực (ICU). Trong một đêm tháng 6 gần đây, cứ 30 bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị ICU ở bệnh viện lớn nhất tại Uganda, thì có 1 người tử vong do thiếu oxy y tế. Tại thủ đô Lusaka của Zambia, các bác sỹ nói rằng các nhà xác cũng hết chỗ.
“Chúng tôi đang ở trong vòng vây của làn sóng hủy diệt, có thể nói là tồi tệ hơn nhiều so với những gì đã từng xảy ra trước đó. Sự lây lan nhanh chóng [của biến thể mới] là vô cùng nghiêm trọng”, Tổng thống Nam Phi Cyril Pamaphosa cho biết hôm 27/6 trong bài phát biểu trên truyền hình, trong đó ông công bố áp đặt các biện pháp phong tỏa mới.
Làn sóng Covid-19 thứ 3 của châu Phi xảy đến trong thời điểm vô cùng khó khăn của lục địa này: Chỉ 1,1% trong tổng dân số 1,3 tỷ người đã được tiêm chủng đầy đủ, nguồn cung y tế cạn kiệt, các bác sỹ, nhân viên y tế kiệt sức và trong một số trường hợp, các bệnh viện phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì không còn giường bệnh cũng như nguồn oxy y tế.
Chính phủ các nước, vốn đang gồng mình đối phó với sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong khu vực, không muốn phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa mới cho đến khi họ nhận thấy sự lây lan của biến thể Delta.
Biến thể Delta đã gây ra cơn sóng thần Covid-19 ở Ấn Độ trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua khiến hơn 1 triệu người mắc và gần 400.000 người tử vong. Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được dự báo sẽ chiếm 50% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đến khoảng đầu hoặc giữa tháng 7 tới, theo các nhà nghiên cứu. Cố vấn y khoa của Tổng thống Mỹ, Giáo sư Anthony Fauci cũng nhận định biến thể Delta là mối đe dọa lớn nhất đối với các nỗ lực đánh bại đại dịch Covid-19 tại Mỹ.
Biến thể Delta hoành hành chủ đạo ở nhiều nước châu Phi
Trên khắp châu Phi, ít nhất 20 nước ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, vốn đã cao hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới hoặc vượt các đỉnh dịch trước đây, theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi. Trong tuần trước, mức độ lây nhiễm Covid-19 tại châu Phi đã tăng 31%, trong khi số ca tử vong cũng tăng 19%.
Biến thể Delta hiện đã được xác định ở ít nhất 13/54 quốc gia tại châu Phi, mặc dù không nhiều nước có khả năng giải trình tự gen virus SARS-CoV-2 trên quy mô lớn. Ở một số nước trong đó có Uganda, Congo và Nam Phi, biến thể Delta đã trở thành biến chủng chủ đạo chỉ trong vòng vài tuần, cùng thời điểm ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 ở các nước này.
“Thật đáng sợ khi phải chứng kiến những gì đang diễn ra trên khắp châu lục. Đây là ần đầu tiên chúng tôi thấy các nước báo cáo rằng hệ thống y tế, các bệnh viện của họ đã hoàn toàn quá tải”, ông John Nkengasong, Giám đốc CDC châu Phi cho biết.
Ở Nam Phi, nền kinh tế công nghiệp hóa nhất, và là nước có chương trình giải trình tự gen tiên tiến nhất châu Phi, biến thể Detla giờ dường như chiếm tới 3/4 số ca mắc Covdi-19, tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 6, theo dữ liệu của Cơ quan nghiên cứu đổi mới và giảu trình tự KwaZulu-Natal. Ở Uganda, biến thể Delta được phát hiện trong 97% số mẫu xét nghiệm được giải trình tự mới đây, trong khi con số này ở Congo là 79%, theo WHO.
Các chuyên gia y tế tại Anh, nơi biến thể Delta cũng đang khiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại, nói rằng nếu không áp dụng các biện pháp hạn chế, thì một người nhiễm biến thể này có thể truyền bệnh sang cho 5-8 người khác – mức độ lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Trung Quốc năm 2019. Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, biến thể Delta được cho là dễ dàng tác động đến hệ miễn dịch của những người đã từng mắc Covid-19 trước đây.
Các chuyên gia Nam Phi cuối tuần qua cảnh báo rằng, các kháng thể sản sinh từ lần nhiễm bệnh trước với một chủng khác dường như ít khả năng chống đỡ được biến thể Delta. Chỉ có tiêm chủng đầy đủ mới có thể bảo vệ tốt hơn trước biến thể mới này. Như vậy, biến thể Delta sẽ trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp và đang phải dựa vào việc sản sinh kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.
“Có nguy cơ cao một người từng mắc Covid-19 sẽ tái nhiễm [biến thể Delta]. Chúng tôi đã không dự đoán được điều đó”, Tulio de Oliveira, một nhà di truyền học tại trường Y tế Nelson Mandela ở Nam Phi cho biết trong một cuộc họp báo cùng Bộ trưởng y tế nước này.
Dù vậy, theo ông Alex Sigal, một nhà nghiên cứu virus tại Viện nghiên cứu y tế châu Phi tại Nam Phi, cũng có một số cơ sở cho rằng, cơ chế bảo vệ của những người nhiễm biến thể Beta – biến thể mới đây vẫn chiếm vai trò chủ đạo ở Nam Phi, có thể khiến hầu hết các trường hợp tái nhiễm biến thể Delta chỉ phát sinh các triệu chứng vừa.
“Mọi thứ đang trở nên vô cùng thảm khốc”
Tại Uganda các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới vẫn chưa thể chặn đứng đà gia tăng số ca mắc Covid-19. Tổng thống Yoweri Museveni đã cấm các hoạt động giao thông công cộng cũng như cá nhân đối với tất cả người dân, ngoại trừ những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.
Tại thủ đô Kampala, tâm dịch tại Uganda, các bệnh nhân Covid-19 đang cạn nguồn oxy y tế. Nguồn cung tại các bệnh viện lớn nhất cũng rất hạn chế và hàng chục bệnh nhân tử vong trong vài phút khi nguồn dự trữ hàng ngày hết dần.
Ở Johanesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, nhiều bệnh nhân đang chết dần chết mòn ở các sảnh bệnh viện vì thiếu oxy trong lúc chờ có giường bệnh. Tại bệnh viện Chris Hani Baragwanath lớn nhất Nam Phi, nằm ở khu ngoại ô Soweto của Johanesburg, các bác sỹ tại khoa cấp cứu phải chia 1 bình oxy cho 3 bệnh nhân mà vẫn không đủ.
Nhiều gia đình phải điều trị người thân mắc Covid-19 tại nhà nhưng vẫn phải tìm mọi cách để mua các bình oxy y tế. Từ đầu tuần đến cuối tuần trước, giá một bình oxy y tế đã tăng từ 980 USD lên 2.400. USD
“Mọi thứ đang trở nên thảm khốc, vô cùng thảm khốc”, ông Yaseen Theba, Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Nam Phi, nhóm hoạt động nhằm giúp tìm giường bệnh cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nói./.
Theo VOV