Tòa nhà chung cư ở phường Minato, Osaka, nơi hai mẹ con người Nhật Bản bị phát hiện chết đói vào ngày 11/12/2020. Ảnh: mainichi.jp

 

Cái chết trong cảnh khốn cùng

Ngày 11/12, khi thi thể của hai mẹ con được tìm thấy trong căn hộ của họ ở phường Minato, Osaka, lực lượng chức năng xác nhận, cả hai đều đã chết được vài tháng. Khám nghiệm tử thi cho thấy, cả hai đều bị suy dinh dưỡng và dạ dày hoàn toàn trống rỗng. Trọng lượng cơ thể bà mẹ 68 tuổi chỉ còn khoảng 30kg, còn trong ví của cô con gái chỉ còn 13 yên (khoảng 3.000 VNĐ). Trong nhà của họ, tủ lạnh không còn chút thực phẩm nào, nhà đã bị cắt điện, nước, gas cũng không còn.

Tờ Mainichi đưa tin, hai người phụ nữ đã sống trong căn hộ này khoảng 10 năm và ban đầu rất tích cực tham gia cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, đầu năm 2020, người con nghỉ việc do ảnh hưởng của Covid-19. Họ thú nhận với bạn bè rằng không còn tiền và đang sống nhờ tiền hỗ trợ từ họ hàng.

Có vẻ như hai mẹ con chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nên họ không bao giờ được sự quan tâm của nhân viên phúc lợi của phường Minato. Họ "biến mất" gần như hoàn toàn khỏi khu phố từ mùa hè năm nay. Nếu như người em gái của người bà mẹ không gọi điện cho cảnh sát về việc chị mình không liên lạc gì trong thời gian dài, có lẽ vụ việc vẫn chưa được phát hiện.

Những người cao tuổi đi bộ dọc theo một con phố ở quận Toshima, Tokyo. Ảnh: Bloomberg

 

Ở Nhật Bản, trong những năm gần đây, đã có nhiều trường hợp được phát hiện chết cùng nhau tại nhà, không ai biết đến. Theo một khảo sát của tờ Mainichi, tổng cộng 538 người đã được tìm thấy trong hoàn cảnh như vậy từ năm 2017 đến năm 2019 tại 23 phường của Thủ đô Tokyo và thành phố Osaka. Trong số đó có thi thể của nhiều cha mẹ và trẻ em hoặc các cặp vợ chồng dường như chết cùng thời điểm. Cái chết của hai mẹ con ở phường Minato, Osaka là minh họa rõ nét nhất về sự tồi tệ của việc mọi người trở nên cô lập với cộng đồng và rơi vào những lỗ hổng trong mạng lưới an toàn xã hội.

Một người phụ nữ 73 tuổi quen biết hai mẹ con nạn nhân, không giấu được sự buồn rầu khi chia sẻ: "Cả hai người họ luôn ăn mặc đẹp và trông không có vẻ gì là họ đang gặp rắc rối. Sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy?"

Một người đàn ông khoảng 70 tuổi sống trong cùng tòa nhà nhận xét: "Mối quan hệ của người dân với cộng đồng của họ gần đây đang nhạt dần. Đây thực sự là điều đáng buồn khi sự vụ đã xảy ra tại khu vực này".

Chết trong cô độc, nỗi lo của người Nhật

Chết trong cô độc (kodokishi) không phải là vấn đề xa lạ với người Nhật Bản. Điều đáng lo là hiện tượng này ngày càng gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn và tình trạng già hóa dân số tại đây lại ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nhật Bản có tỷ lệ người già cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hiện nay, người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm 1/4 tổng dân số, ước tính sẽ đạt 1/3 vào năm 2050.

Số lượng người già tăng nhưng hiện nay, đa phần họ lại sống một mình thay vì trong gia đình nhiều thế hệ như trước kia.

Người cao tuổi sống một mình thường thiếu các mối liên hệ xã hội với gia đình, hàng xóm, và do đó, có nhiều khả năng chết một mình mà không được phát hiện.

Văn hóa Nhật Bản luôn đề cao đức tính chịu đựng bền bỉ (gaman), không khuyến khích những người có nhu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ hàng xóm và chính quyền. Mặt tốt của sự tự lực tự cường này có rất nhiều, nhưng mặt trái của gaman cũng đã khiến mối liên hệ trong gia đình và xã hội bị ảnh hưởng. Rất nhiều người cho rằng, đúng là bà mẹ và cô con gái ở Osaka gặp khó khăn, nhưng nếu họ mở miệng cầu xin sự giúp đỡ, có lẽ họ sẽ không bị chết đói.

Kodokushi cũng được cho là có liên quan đến văn hóa đương đại "bỏ qua cái chết" của Nhật Bản. Vài trăm năm trước, người Nhật thường đối mặt với cái chết rất chặt chẽ, các nghi lễ liên quan đến đám tang rất cầu kỳ. Ví dụ, thi thể thường được chôn cất bởi đông đảo các thành viên trong gia đình. Ngược lại, Nhật Bản hiện nay, do sức ép về kinh tế, áp lực xã hội, những nghi lễ trong đám tang trở nên đơn giản, thậm chí còn bị "bỏ qua", dẫn đến tình trạng: chết chẳng ai hay.

Nhật Bản có tỷ lệ người già cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ảnh: nikkei.com

 

Theo thống kê của Đài truyền hình NHK, hơn 32.000 người già ở Nhật Bản đã chết trong cô độc (một mình) trong năm 2009 và con số này đã tăng gấp 2,5 lần chỉ sau 1 thập kỷ. Một công ty chuyển nhà tư nhân ở Osaka báo cáo rằng, 20% công việc của công ty liên quan đến việc dọn đồ đạc của những người đã qua đời vì cô độc. Khoảng 4,5% đám tang trong năm 2019 liên quan đến các trường hợp của kodokushi.

Không phải đến khi sự việc một người phụ nữ và cô con gái của bà ở phường Minato, Osaka, Nhật Bản chết đói xảy ra mới đây, người Nhật mới ý thức được vấn đề này. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Nhật Bản bị suy thoái, số lượng kodokushi tăng đột biến. 30 năm sau, đất nước Nhật Bản lại đang gồng mình với đại dịch Covid-19 và càng làm trầm trọng thêm tình trạng kodokushi.

Chính quyền Nhật Bản đang nỗ lực tối đa để giải quyết vấn nạn này. Một số thành phố ở Nhật Bản đã và đang thực hiện các phong trào ngăn chặn những cái chết cô độc. Chính quyền các địa phương phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về kodokushi bao gồm các sự kiện xã hội đã được lên lịch và kiểm tra sức khỏe của những người cao tuổi. Nhưng kinh tế khó khăn, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội, để giảm các trường hợp kodokushi ở thời điểm quả thật không hề đơn giản đối với người Nhật.

N.A (Theo mainichi.jp, nikkei.com)