Chỉ 30% trẻ em Việt Nam từ 6-14 tuổi biết bơi - ẢNH T.HẰNG
Đây là con số đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em” do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay, 15.12.
Đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các điều ước Quốc tế về trẻ em (TE) theo cam kết. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức đối với việc bảo đảm các quyền của TE, trong đó, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở TE Việt Nam do tai nạn thương tích.
Hàng năm vẫn có khoảng hơn 2.000 TE bị tử vong do đuối nước tại Việt Nam.
Bà Hà chia sẻ: “Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích TE; phòng, chống đuối nước TE tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức như: nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc TE về phòng chống đuối nước TE còn hạn chế. Đáng chú ý, nguy cơ gây đuối nước cho TE vẫn còn xảy ra tại gia đình, cộng đồng, trường học. Nhiều TE còn thiếu kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước TE; nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại một số nơi còn thấp”.
Hội thảo tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở TE - ẢNH T.HẰNG
Theo Cục TE (Bộ LĐ-TB-XH), trong 10 năm qua, tình hình tử vong do đuối nước đã giảm, năm 2010 có 3.300 em tử vong do đuối nước, đến 2019 có hơn 2.000 em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, con số này vẫn cao, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích TE.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục TE, cho hay tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% xảy ra tại gia đình; và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học.
Nguyên nhân chính, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, là do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước TE còn thấp. "Nhiều trường hợp đuối nước TE xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Nhiều TE không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6-14 biết bơi. Ngoài ra, đuối nước xảy ra còn do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm”, Hoa nói.
Hỗ trợ trực tiếp các kỹ năng bơi lội cho TE
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI), phân tích đuối nước TE xảy ra nhiều nhất vào thời điểm mùa hè - đỉnh điểm vào tháng 6, chứ không phải trong mùa mưa bão. Do đó, để giảm thiểu tử vong do đuối nước, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em ngay từ khi kết thúc năm học, kéo dài đến tháng 9, 10 khi trẻ trở lại năm học.
Đại diện GHAI đưa ra các khuyến nghị cho chương trình phòng chống tai nạn, thương tích TE giai đoạn 2021- 2030, đó là lồng ghép mục tiêu "giảm tai nạn thương tích ở TE " theo hướng tiếp cận đa ngành, toàn diện trong việc thực hiện quyền TE.
Bên cạnh kiện toàn và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích cho TE, GHAI đề nghị thực hiện các chương trình hành động cụ thể để ngăn ngừa các loại hình tai nạn thương tích đặc thù của TE. Trong đó, ưu tiên giải quyết tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, bỏng, ngã và ngộ độc. Tăng cường và cải thiện hệ thống y tế để phòng tránh tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích TE.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà, để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở TE, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể sự vào cuộc của cộng đồng. Đặc biệt, cần quan tâm đến các can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc hỗ trợ trực tiếp TE các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng bơi; hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng để giám sát, quản lý trẻ;… đồng thời, mỗi gia đình phải thấy rõ trách nhiệm bảo vệ chính con em mình.
Theo thanhnien