Và đến nay, thương hiệu xà bông Sam Sôn của anh Chung đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như dần vươn ra thị trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Anh Chung (ngồi xe lăn) từng giành nhiều huy chương ở bộ môn bơi lội trong các kỳ ASEAN Para Games

Ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Tôi tìm đến cửa hàng nhỏ của anh Chung trên đường Đại La (Hà Nội) vào một chiều cuối năm. Chàng trai di chuyển bằng đôi tay nhanh thoăn thoắt ra tiếp đón tôi cho dù đang khá bận rộn với công việc sản xuất và kinh doanh xà bông.

Đôi chân anh Chung bị cắt ngắn đến bẹn sau vụ tai nạn năm anh 18 tuổi. Trong một lần bơi ở khu vực trạm bơm Minh Cường, anh bị cuốn vào máy quay nước. Đôi chân bị dập nát và phải cắt bỏ. Gánh nặng đè lên vai mẹ Chung, một người phụ nữ tần tảo với 6 đứa con, chồng đã mất sớm.

Thương mẹ, Chung quyết đứng dậy để không làm gánh nặng cho gia đình. Anh gia nhập CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội và tập luyện 3 môn gồm ném lao, đẩy tạ và bơi lội. Cuối năm 2003, anh Chung được cử tham dự ASEAN Para Games, đứng trước 3 cơ hội chọn môn thi đấu, anh Chung đã chọn bơi lội với suy nghĩ "ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó". "Tôi bị mất đôi chân do bơi lội nên tôi sẽ chọn bơi để đứng lên và tìm lại bản thân mình", Chung cho biết.

Anh Chung đã xuất sắc giành 2 huy chương bạc tại kỳ ASEAN Para Games 2003. Ở 3 kỳ ASEAN Para Games tiếp theo, anh đều mang về huy chương các loại vàng, bạc, đồng cho thể thao nước nhà và trở thành niềm tự hào của người mẹ già ở quê.

Tham gia thể thao hơn chục năm, anh Chung hiểu đã đến lúc giải nghệ và cần có một công việc phù hợp để lo cho tương lai. Tuy khả năng đi lại hạn chế nhưng Chung chẳng ngại việc gì, từ giặt khô là hơi, đi chở hàng thuê đến lau dọn nhà cửa, miễn kiếm được tiền Chung đều lao vào làm.

Cơ duyên với xà bông thảo dược đến với Chung khi một người bạn cùng khu trọ tặng Chung bánh xà bông thảo dược để tắm. Do Chung thường ngâm mình bơi lội trong nước bể bơi nên da bị khô, khi dùng xà bông thảo dược thấy được sự khác biệt rõ rệt. "Tuy xà bông hơi ít bọt nhưng dùng rất thích, làm da mềm mại hơn và không gây hại đến môi trường", anh Chung nhớ lại.

Người bạn tên Vũ Trung Đức, vốn sinh viên ngành Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã động viên anh Chung khởi nghiệp với xà bông thảo dược. Thấy hợp lý, anh Chung đã dồn hết vốn liếng tích cóp được khoảng 30 triệu đồng để khởi nghiệp với phương châm làm xà bông thảo dược sạch, chăm sóc sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường.

Anh Vũ Trung Đức chia sẻ: "Tôi thấy anh Chung có nghị lực rất lớn và tôi có một số dòng sản phẩm thấy phù hợp để anh Chung phát triển mô hình sinh kế lâu dài. Anh Chung cũng rất yêu thích các sản phẩm đó và khát khao khởi nghiệp nên tôi đã cố vấn cho anh Chung về mặt kỹ thuật và cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất cho anh".

Tạo dựng chỗ đứng trên thị trường

Khởi nghiệp với người bình thường đã khó, với người khuyết tật như anh Chung thì khó khăn nhân lên nhiều lần. Tại khu trọ, ban ngày đi làm kiếm tiền, ban đêm về Chung lại nấu thử nghiệm xà bông. Từ các nguyên liệu như gừng, xả, tía tô, mật ong, chùm ngây, mướp đắng, bạc hà... đều được Chung nấu thử để tìm ra những loại phôi tốt nhất.

leftcenterrightdel
 Anh Chung giới thiệu xà bông thảo dược tới khách hàng

Anh Chung nấu xà bông hoàn toàn bằng thủ công và phải căn giờ, nhiệt độ phôi chính xác tuyệt đối. Nếu lơ là để sôi quá thì xà bông bị nhão hoặc phôi tràn ra thì mẻ đó bị hỏng. Sau gần một năm "ngã xuống, đứng lên" tốn mấy chục triệu đồng nguyên liệu thử nghiệm, anh Chung mới thành thạo công thức và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Chia sẻ về bí quyết tạo ra xà bông tốt nhất, anh Chung cho biết: "Trước tiên phải có phôi xà bông tự nhiên, sau đó cắt nhỏ phôi để hấp cách thủy cho đến khi phôi tan rồi cho thêm nguyên liệu. Nước nấu xà bông phải là nước giếng Sao Sa, đây là loại nước khoáng giàu ma-giê, can-xi rất tốt cho da", Chung cho biết.

Tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại, thật khó để Chung quảng bá sản phẩm tới thị trường bởi tại thời điểm đó người tiêu dùng vẫn ưa thích sản phẩm công nghiệp hơn. Bản thân Chung cũng chưa có kinh nghiệm bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Chung bèn mang đến các phiên chợ xanh tử tế được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM và trực tiếp mang xoong, chảo nấu xà bông thảo dược tại phiên chợ. "Thời gian đầu sản phẩm rất khó bán. Tôi lên mạng xã hội giới thiệu sản phẩm rồi nhờ người quen mua ủng hộ, người này người kia truyền tai nhau là chính. Hoặc ai cần ship thì tôi lại tự đi giao hàng cho dù đơn rất nhỏ và ở xa", anh Chung nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Anh Chung trên chiếc xe 3 bánh có thể tự di chuyển trên đường hay đi giao hàng

Ngoài ra, anh Chung còn cải thiện mẫu mã, nắm bắt tâm lý khách hàng để tối ưu hóa sản phẩm: "Lúc bắt đầu làm tôi cũng đi theo những mẫu truyền thống hình vuông, nhưng sau một thời gian tôi nhận ra rằng, khách hàng dùng mẫu truyền thống khoảng 2 tuần sẽ làm mòn các cạnh của bánh xà phòng, cầm dễ bị trơn tuột. Vì vậy tôi đã cho ra các mẫu khác như hình bông hoa vừa đẹp, đặt vào lòng bàn tay rất gọn, để trong nhà tắm rất sinh động", anh Chung cho biết.

Được biết, sau gần 10 năm khởi nghiệp, xà bông mang nhãn hiệu Sam Sôn của Chung đã có chỗ đứng trên thị trường. Hiện tại Chung đang kết nối để đưa sản phẩm sang thị trường châu Âu, phục vụ tại các khách sạn. Mỗi phiên chợ khoảng 7 ngày, Chung bán được chừng 1.500 bánh xà bông. Lợi nhuận thu về từ 300 – 500 triệu/năm.

Năm 2015, anh Chung bắt đầu thành lập xưởng sản xuất xà bông thiên nhiên tại Ninh Bình. Hiện nay xưởng của Chung có khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng. Chung đã có các đại lý trên một số tỉnh thành và sản phẩm đã lên sàn thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thị Vân, giáo viên – khách quen của anh Chung chia sẻ: "Khi dùng trên da của con trẻ, cảm thấy da mềm mại, gội đầu thì tóc rất mềm mượt. Các hiện tượng rôm, mẩn ngứa của con khi dùng xà bông thảo dược không còn nữa, thấy con khỏe mạnh và không bị ho, hắt hơi hay dị ứng với xà bông, ngoài ra giá cả cũng rất hợp lý".

Hiện anh Chung đã cho ra đời 8 loại xà bông thảo dược, gần đây thêm sản phẩm muối tắm thảo dược Sam Sôn dành riêng cho bé chiết xuất từ cây kim ngân, dây tầm bóp và tía tô giúp diệt khuẩn, làm dịu nốt muỗi đốt. Anh Chung bảo đang nghiên cứu để cho ra sản phẩm về dưỡng da chiết xuất từ thiên nhiên dành cho chị em phụ nữ.

Từ một tai nạn tưởng chừng đã khép lại tương lai, đến nay Chung đã trở thành ông chủ của thương hiệu xà bông thảo dược Sam Sôn. Có kinh tế, Chung không chỉ phụng dưỡng được mẹ già ở quê mà còn thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn anh gặp được, lúc thì giúp họ mấy trăm nghìn về quê, lúc thì bao gạo hay thùng mì cho người vô gia cư...

Chung giờ cũng không còn tiếc nuối đôi chân đã mất đi, anh chỉ lo tập trung phát triển sản phẩm, giúp đỡ mọi người để hướng về một tương lai tốt đẹp. Năm 2021, Chung vinh dự được tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" của UBND TP.Hà Nội trao tặng.

Theo Thanh niên