|
|
Chống hạn hán và sa mạc hóa |
Ngày Môi trường Thế giới có ý nghĩa to lớn đối với môi trường sống của con người. Đây chính là sự kiện giúp cả thế giới cùng nhau thực hiện các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Ông đưa ra thông điệp: “Các quốc gia phải thực hiện tất cả các cam kết của mình nhằm khôi phục các hệ sinh thái và đất đai bị suy thoái. Các nước phải sử dụng các kế hoạch hành động về khí hậu quốc gia mới của mình để đặt ra cách ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Chúng ta phải tăng quy mô tài chính một cách mạnh mẽ để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ thiên nhiên và hỗ trợ phát triển bền vững… Hành động nhanh chóng và hiệu quả có ý nghĩa kinh tế. Phục hồi đất có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 30 USD cho mỗi đô la đầu tư. Cùng nhau, hãy xây dựng một tương lai bền vững cho đất đai và cho nhân loại”.
Sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán chủ yếu do các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu gây ra. Đây là một cuộc khủng hoảng thầm lặng và vô hình ảnh hưởng đến người dân ở mọi khu vực trên thế giới. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính, hơn 2 tỷ ha đất trên thế giới đang bị suy thoái ảnh hưởng trực tiếp đến 3,2 tỷ người. Các hệ sinh thái quan trọng và vô số loài đang bị đe dọa.
Cuộc sống con người cần đất đai màu mỡ và năng suất cho nhiều hoạt động thiết yếu. Do đó, việc ngăn chặn suy thoái thông qua phục hồi đất sẽ là chìa khóa để tăng cường đa dạng sinh học, khôi phục các dịch vụ hệ sinh thái và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), việc khôi phục đất bị suy thoái trên toàn cầu có thể giữ lại 3 tỷ tấn carbon trong khí quyển vào đất mỗi năm, hỗ trợ đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Phục hồi đất cũng rất cần thiết để đảm bảo nhân quyền, phát triển bền vững, an ninh lương thực, việc làm, giảm thiểu rủi ro thiên tai, lợi ích sinh thái và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Chỉ khôi phục 15% đất đai có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng các loài.
Dưới đây là các biện pháp để tham gia phục hồi hệ sinh thái nhân Ngày Môi trường Thế giới:
1.Làm nông nghiệp bền vững:
Trên toàn cầu, ít nhất 2 tỷ người, đặc biệt là người dân nông thôn và khu vực nghèo hơn, phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống. Do đó, các chính phủ và khu vực tài chính có thể thúc đẩy nông nghiệp tái tạo để tăng sản lượng lương thực đồng thời bảo tồn hệ sinh thái.
Các doanh nghiệp nông nghiệp có thể phát triển các loại cây trồng thích ứng với khí hậu, khai thác kiến thức bản địa để phát triển các phương pháp canh tác bền vững và quản lý tốt hơn việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón để tránh gây hại cho đất.
2. Tiết kiệm đất
Đất là môi trường sống đa dạng sinh học nhất hành tinh. Gần 60% các loài sống trong đất và 95% thực phẩm chúng ta ăn được sản xuất từ đất. Đất khỏe mạnh hoạt động như một bể chứa carbon, khóa các khí nhà kính có thể xâm nhập vào khí quyển, đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí hậu.
Để giữ cho đất màu mỡ và năng suất, cần hỗ trợ canh tác hữu cơ và thân thiện với đất. Phân hữu cơ và vật liệu hữu cơ có thể được thêm vào đất để cải thiện độ phì nhiêu của đất. Các kỹ thuật tưới như tưới nhỏ giọt hoặc che lớp phủ có thể được sử dụng để giúp duy trì độ ẩm của đất và ngăn ngừa hạn hán.
3. Khôi phục hệ sinh thái nước ngọt
Hệ sinh thái nước ngọt duy trì chu trình nước giúp đất đai màu mỡ. Chúng cung cấp thực phẩm và nước uống cho hàng tỷ người, bảo vệ chúng ta khỏi hạn hán và lũ lụt, đồng thời cung cấp môi trường sống cho vô số loài thực vật và động vật. Tuy nhiên, chúng đang biến mất ở mức báo động do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức. Có thể ngăn chặn điều này bằng cách cải thiện chất lượng nước, xác định các nguồn gây ô nhiễm và theo dõi sức khỏe của hệ sinh thái nước ngọt. Cần trồng lại thảm thực vật bản địa. Các thành phố cần giải quyết vấn đề quản lý nước thải, nước mưa và ngập lụt đô thị.
4. Cải tạo các vùng ven biển và biển
Đại dương cung cấp cho nhân loại oxy, thực phẩm và nước, giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp cộng đồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Hơn 3 tỷ người, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển, sống dựa vào đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống.
Các quốc gia có thể khôi phục hệ sinh thái xanh, bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy muối, rừng tảo bẹ và rạn san hô. Thực thi các quy định nghiêm ngặt về ô nhiễm, chất dinh dưỡng dư thừa, nước thải nông nghiệp, rác thải công nghiệp và rác thải nhựa để tránh trôi vào các khu vực ven biển.
5. Mang thiên nhiên trở lại thành phố
Hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 2050, dự kiến cứ 3 người thì có 2 người sẽ sống ở trung tâm đô thị. Các thành phố tiêu thụ 75% tài nguyên của hành tinh, tạo ra hơn một nửa chất thải toàn cầu và tạo ra ít nhất 60% lượng khí thải nhà kính. Khi các thành phố phát triển, chúng biến đổi thế giới tự nhiên xung quanh, có khả năng dẫn đến hạn hán và suy thoái đất đai.
Rừng đô thị có thể cải thiện chất lượng không khí, cung cấp nhiều bóng mát hơn và giảm nhu cầu làm mát cơ học. Bảo tồn kênh, ao và các vùng nước khác của thành phố có thể làm giảm bớt các đợt nắng nóng và tăng cường đa dạng sinh học. Việc lắp đặt thêm vườn trên mái và vườn thẳng đứng trong các tòa nhà có thể cung cấp môi trường sống cho chim muông, côn trùng và thực vật.
6. Tạo nguồn tài chính cho việc khôi phục
Đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên cần tăng hơn gấp đôi lên 542 tỷ USD vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và khí hậu thế giới.
Để thu hẹp khoảng cách tài chính hiện tại, các chính phủ có thể đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hạn hán, cũng như tài trợ cho các hoạt động phục hồi đất đai và các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Khu vực tư nhân có thể tích hợp phục hồi hệ sinh thái vào mô hình kinh doanh, thực hiện các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả, nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và công nghệ xanh.
Theo thoidai