10 năm là một quãng không quá dài song cũng đủ để người ta nhìn lại những gì đã qua. Điều thú vị là Sắc màu Bắc - Trung - Nam có thêm không ít gương mặt mới (gồm Trang Thanh Hiền, Nguyễn Ngọc Đan, Nguyễn Thảo Hiền, Trần Thị Đào) song hành với những gương mặt quen nhưng vẫn đầy bất ngờ trong sáng tác (Bùi Mai Hiên, Tào Thu Hương, Trần Thanh Thục, Nguyễn Thị Lan Hương, Hồ Thị Xuân Thu, Ngô Đình Bảo Vi).

leftcenterrightdel
 Bức Giấc mơ mắc cạn trong loạt tĩnh vật Chim, hoa, cá, lá của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan

Và dù là “mới” hay “cũ” của cuộc hội ngộ này, những cái tên trên đều đã từng bước ghi dấu trong sự nghiệp riêng. Ai đó từng ví von mỗi phụ nữ là một bông hoa thì 10 bông hoa tài năng ấy đã mang đến cuộc triển lãm những tâm tình, xúc cảm, sự lựa chọn khác nhau để thực hành nghệ thuật, một cách miệt mài.

Bùi Mai Hiên phiêu diêu, vô thực. Hồ Thị Xuân Thu trung thành với chủ đề Tây Nguyên. Trang Thanh Hiền say mê với đề tài mang tính biểu tượng về thiền định trên chất liệu truyền thống như giấy dó, mực nho. Nguyễn Ngọc Đan chơi màu tài tình, dùng cái tĩnh để tả cái động, dùng sắc độ của màu để vẽ nên không gian và ánh sáng. Nguyễn Thị Lan Hương - người khởi xướng triển lãm từ những ngày đầu - mê mẩn lối vẽ truyền thống nhưng lại gửi gắm vào đó tâm tư của con người hiện đại. Ngô Đình Bảo Vi lại một lần nữa khiến người xem ngạc nhiên trước sắc thái mới cho tranh trúc chỉ…

Dù chọn phương thức nào để vẽ, chất liệu nào để chuyển tải, các nữ họa sĩ ấy đã gặp nhau ở niềm tha thiết với đời sống, với vạn vật xung quanh và dĩ nhiên là với hội họa. So với các quốc gia trong khu vực, các nữ họa sĩ Việt Nam ít chịu những góc nhìn kỳ thị về giới hơn nhưng họ lại ít có điều kiện để theo đuổi giấc mơ hội họa, như các đồng nghiệp nam. Bởi lẽ, bên cạnh những trói buộc về cơm áo gạo tiền đã đành, còn có nhiều lẽ khác bắt nguồn từ sự mặc định: phụ nữ phải hy sinh, phải xem việc lùi về sau chăm sóc gia đình, chồng con là một niềm sung sướng. Dẫu sự nghiệp thăng hoa đến đâu nhưng gia đình mới là điểm tựa. Quan điểm đó không sai nhưng một cách vô hình đã trở thành sợi dây siết chặt bất kỳ ai, trong đó có các nữ họa sĩ.

leftcenterrightdel
 Bức Khai hoa bằng đồ họa trúc chỉ của Ngô Đình Bảo Vi

Thế nhưng, họ không chọn gào thét với cuộc đời. Họ vẫn ở đó, nhẫn nại và mềm mại, mát lành như dòng nước, nhẹ nhàng xoa dịu nỗi lòng của tha nhân. Thì hãy nhìn đây, trong tranh của 10 nữ họa sĩ, ta có thấy gì ngoài căn tính của nữ giới? Dịu dàng hay rực rỡ, màu nhã hay sắc nóng vẫn hòa quyện đan kết yêu thương. Như chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan: “Chủ thể không hoàn toàn là yếu tố quyết định, quan trọng là cách thức mà ngôn ngữ tạo hình được sử dụng để biểu đạt tư tưởng, mang thông điệp và triết lý của nghệ sĩ đến với công chúng”.

Điều đáng khen khác ở triển lãm này, không chỉ ở sự đa dạng của tư duy, chất liệu mà còn ở năng lực sáng tạo không quá chênh nhau giữa các họa sĩ. Chính sợi dây đó tạo nên sự dễ chịu cho người xem khi đi từ vùng không gian này qua vùng không gian khác. Một cuộc nối kết hé lộ vị trí của phụ nữ Việt trong giới hội họa.

Triển lãm đang diễn ra tại nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội).

Theo phụ nữ TPHCM