leftcenterrightdel
 Nắng nóng khiến các nữ công nhân kiệt sức

Nôn mửa, ngất xỉu vì nóng

Những ngày cuối tháng 5, trong nhà máy nơi Aysha Talukder Tanisa đang làm công việc may quần jean và quần áo trẻ em cho các thương hiệu phương Tây, hệ thống làm mát không thể làm dịu đi cái nắng nóng bên ngoài.

Theo dựbáo thời tiết, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở Bangladesh trong 70 năm qua.

“Nhiều người trong chúng tôi - chủ yếu là các cô gái - bị ốm, nôn mửa hoặc ngất xỉu vì nắng nóng”, một nữ công nhân 22 tuổi cho biết.

Nhiệt độ tăng vọt lên hơn 45 độ C vào những tháng Tư và Năm gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho công nhân nhà máy, trong 4 triệu công nhân ngành may mặc của Bangladesh, có tới 60% trong số đó là phụ nữ.

Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, những tháng nắng nóng vừa qua, trên khắp thế giới, hơn 2/3 số công nhân đã phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao khi làm việc.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Phục hồi Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller, Bangladesh mất 6 tỉ USD mỗi năm vì năng suất lao động giảm do ảnh hưởng của nắng nóng cực độ.

Là đất nước gia công may mặc cho các thương hiệu lớn của thế giới, biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ nắng nóng ở Bangladesh. Các hiệp hội ngành may mặc của đất nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ người lao động. Manirul Islam, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh (Bils), cho biết: “Nhiệt độ gây ra rủi ro kinh doanh nghiêm trọng cho ngành may mặc”.

Ông Islam, người đã khảo sát hơn 400 công nhân may mặc, cho biết cứ 5 công nhân thì có 1 người phải nghỉ ốm ít nhất một lần trong những tháng nóng nhất do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, và 32% cho biết khả năng làm việc của họ bị suy giảm do nóng bức,ngột ngạt.

Một số nhà sản xuất quần áo hàng đầu đang thực hiện các bước để đảm bảo an toàn cho người lao động, nhưng các nhà hoạt động vì quyền người lao động cho rằng việc bảo vệ sức khỏe và năng suất của công nhân đòi hỏi nhiều tiền và cam kết hơn nữa từ các công ty, chính phủ.

Mohammed Zahidullah - Giám đốc của Tập đoàn DBL, nơi sử dụng khoảng 35.000 công nhân và cung cấp cho một số nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới, đã đảm bảo nhân viên có sẵn nước uống và muối bổ sung.

Ông cho biết thêm, các vòi phun nước đang được sử dụng để làm mát mái nhà của các nhà máy vốn đặc biệt nóng bức vào mùa hè.

Md Monower Hossain, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của tập đoàn, cho biết Team Group, một nhà cung cấp quần áo hàng đầu khác ở Bangladesh với khoảng 23.000 người, sử dụng quạt hút để giữ nhiệt độ trong nhà mát hơn bên ngoài từ 4 đến 5 độ C. “Chúng tôi cũng sử dụng kính hai lớp ở một bên của nhà máy để đón ánh sáng mặt trời nhưng giảm nhiệt - giữ cho bên trong mát mẻ và đủ ánh sáng” - ông cho biết thêm.

Trong các khu nhà máy, công ty đang thử nghiệm các giải pháp làm mát dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như trồng cây và lắp đặt các đài phun nước.

Nghèo khó, chật vật với nắng nóng

Hiện mức lương tối thiểu hàng tháng cho một thợ may ở Bangladesh là khoảng 13.300 taka (khoảng 120 USD) một tháng, khiến máy điều hòa không khí và máy phát điện là điều ngoài tầm với của người lao động.

Yousuf Bin Ibrahim, một công nhân may 30 tuổi cho biết việc cắt điện thường xuyên khiến những chiếc quạt điện mà anh mua cho căn hộ thuê của mình trở nên vô dụng. Anh nói: “Trời quá nóng đối với tôi và các con tôi trong những ngày hè, tụi nhỏ thường bị say nắng, sốt".

Theo báo cáo tháng trước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hiệp Quốc, gần 19.000 người chết mỗi năm do chấn thương tại nơi làm việc do nhiệt độ quá cao và ước tính 26,2 triệu người đang phải sống chung với các bệnh thận mãn tính liên quan đến căng thẳng do nhiệt độ tại nơi làm việc.

Khi biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ nắng nóng cực độ, ông Zahidullah cho biết các nhà sản xuất sẽ cần thực hiện những thay đổi lớn đối với các nhà máy hiện có và các cơ sở mới xây dựng có khả năng chống chọi với khí hậu.

Là người đứng đầu hoạt động tại công ty công nghệ năng lượng Grit Technologies Limited, Sudip Paul đã dành nhiều năm giúp các nhà máy giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu. Ông cho biết những bước đơn giản, không tốn kém có thể tạo nên sự khác biệt.

Paul cho biết, có thể bắt đầu ca làm việc lúc 6 giờ sáng thay vì 8 giờ sáng, để công nhân có thể đi ăn trưa trước khi nhiệt độ giữa trưa đạt đỉnh điểm, cung cấp cho họ quần áo cotton nhẹ và dù che nắng màu trắng để đi bộ về nhà, bên cạnh việc bảo dưỡng quạt làm mát đúng cách.

Zahangir Alam, người đã làm việc 3 thập niên với các thương hiệu hàng đầu thế giới như H&M, Walmart và Bestseller cho biết các biện pháp như vậy được hoan nghênh, nhưng chính phủ và các nhà đầu tư phải làm nhiều hơn để giải quyết mối đe dọa về nhiệt độ gia tăng.

Theo phụ nữ TPHCM