Học sinh và giáo viên ở Philippines, Campuchia đã phải nghỉ học vì quạt cầm tay hầu như không có tác dụng trước cái nóng và độ ẩm trong các lớp học thông gió kém. Nông dân ở Thái Lan chứng kiến cây cối khô héo và gia súc chết. Hàng trăm người cũng đã chết vì nắng nóng. Ở Ấn Độ, hơn 50 người tử vong và gần 200 người phải nhập viện điều trị, trong đó phần lớn là người già, người nghèo phải làm việc ngoài trời và không có điều kiện làm mát.

leftcenterrightdel
 Người già, người nghèo khó gần như chỉ biết chịu đựng tình trạng nắng nóng gay gắt vì không có lựa chọn khác - Nguồn ảnh: Getty Images

Theo các chuyên gia y tế, bất kể đợt nắng nóng tấn công ở đâu và khi nào thì người lớn tuổi và người nghèo đều gặp nguy hiểm. Cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. Nhiều chuyên gia cho biết, họ đã nghiên cứu sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tình trạng già hóa dân số, từ đó cảnh báo về một tương lai thảm khốc.

“Đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, lên gần 2,1 tỉ người, chiếm 21% dân số toàn cầu. Điều này cũng có nghĩa là số người lớn tuổi dễ bị tổn thương ngày càng tăng và họ sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt. Các phân tích của chúng tôi cho thấy, năm 2050, hơn 23% dân số thế giới từ 69 tuổi trở lên sẽ sống ở những khu vực có nhiệt độ cao nhất thường xuyên vượt quá 37,5 độ C. Điều đó có nghĩa là có tới 250 triệu người lớn tuổi nữa sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cao nguy hiểm” - nhóm chuyên gia cho biết.

Nhiệt độ cực cao làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe phổ biến liên quan đến tuổi tác như bệnh tim, phổi, thận và có thể gây mê sảng. Người già không đổ mồ hôi nhiều như người trẻ, khiến cơ thể họ khó hạ nhiệt hơn khi nhiệt độ tăng cao. Người già cũng có thể bị tổn thương tinh thần trong những đợt nắng nóng ngột ngạt. Những mối đe dọa này đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình - nơi người lớn tuổi thường sống trong những ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn hoặc không có cách nào để hạ nhiệt trong cái nóng.

Bác sĩ Ajay Shukla tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya ở New Delhi cho biết: “Tỉ lệ tử vong do say nắng rất cao, lên đến gần 60 - 80%. Trong trường hợp bị say nắng, chúng ta có thể sống sót nếu được chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu đến bệnh viện muộn, tỉ lệ tử vong sẽ rất cao”.

Hầu hết bệnh nhân say nắng của Bệnh viện Ram Manohar Lohiya đều từ các cộng đồng nghèo, nơi người lao động không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm việc ngoài trời. Ông Kali Prasad - bán nước giải khát ở một địa điểm du lịch nổi tiếng của New Delhi - cho biết mỗi ngày, ông đẩy xe chở nước đến điểm bán, cách nhà khoảng 8km.

Ông nói: “Nhiệt độ đã tăng mạnh trong 10 ngày qua, rất nóng, mọi người thậm chí không đến đây”. Kali Prasad kể rằng, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng cả ngày dưới cái nắng như thiêu đốt để bán hàng, vì không còn ai khác chu cấp cho vợ con và cha mẹ. Ông Kali Prasad than vãn: “Chúng tôi phải làm việc, dù trời nóng đến đâu. Không có lựa chọn khác”. Anh Probir Ram là một nhân viên bảo vệ buộc phải làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt. Áo ướt đẫm mồ hôi, Ram than thở: “Cái nóng này còn sẽ tiếp tục. Những người như chúng tôi sẽ không thể đương đầu được. Chúng tôi sẽ chết sớm thôi”.

“Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Y tế Liên Mỹ cảnh báo rằng thập niên này sẽ rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho cộng đồng đối phó với tình trạng nắng nóng gia tăng và nguy cơ dân số già đi. Trên khắp các khu vực, chính phủ các nước có thể cứu mạng người dân bằng cách đưa ra những cảnh báo cũng như hướng dẫn, cung cấp những điều cơ bản, cần thiết cho người dân để chống chọi với nắng nóng, sóng nhiệt” - nhóm chuyên gia kết luận.

Theo phụ nữ TPHCM