|
|
Nghiên cứu toàn cầu cho thấy phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi Covid-19 trên phương diện kinh tế và xã hội so với nam giới. |
Tác động của đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm đảo ngược tiến bộ đạt được về bình đẳng giới trong nhiều thập kỷ. Theo một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn trên phương diện kinh tế và xã hội do Covid-19 so với nam giới.
Trước đây, các nghiên cứu về khoảng cách giới liên quan đến Covid-19 tập trung vào các tác động trực tiếp đến sức khỏe, chẳng hạn, tỷ lệ nam giới nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 cao hơn phụ nữ. Nhưng đến nay, cũng có rất ít nghiên cứu xem xét tác động kinh tế và xã hội gián tiếp của đại dịch đến vấn đề bất bình đẳng giới trên toàn thế giới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, Đại học Washington và được công bố trên tạp chí Lancet, cho thấy phụ nữ phải chịu những tác động xã hội và kinh tế tiêu cực nhiều hơn nam giới. Theo nghiên cứu, khoảng cách về giới lớn nhất và dai dẳng nhất được ghi nhận là trong vấn đề việc làm và lao động không được trả công, với 26% phụ nữ bị mất việc so với 20% nam giới trên toàn thế giới vào tháng 9 năm 2021. Phụ nữ và trẻ em gái cũng có khả năng cao phải bỏ học và trải qua bạo lực trên cơ sở giới so với nam giới và trẻ em trai.
Giáo sư Emmanuela Gakidou, tác giả cấp cao cho biết: "Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng toàn cầu đầu tiên về khoảng cách giới cho một loạt các chỉ số liên quan đến sức khỏe, xã hội và kinh tế trong suốt đại dịch. Bằng chứng cho thấy, Covid-19 có xu hướng làm trầm trọng thêm những chênh lệch kinh tế và xã hội đã tồn tại trước đây hơn là tạo ra những bất bình đẳng mới".
"Xã hội đang ở thời điểm quan trọng, đầu tư vào việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là rất cần thiết để đảm bảo rằng tiến bộ trong bình đẳng giới không bị trì trệ hoặc đảo ngược vì đại dịch Covid-19. Chúng ta không thể để những hậu quả kinh tế và xã hội do đại dịch tiếp tục kéo dài sang thời kỳ hậu Covid. Cần phải hành động ngay bây giờ để không chỉ thay đổi mức chênh lệch hiện tại mà còn thu hẹp hơn nữa những khoảng cách hiện có trước khi đại dịch bắt đầu".
Nghiên cứu phân tích các bộ dữ liệu công khai có sẵn từ 193 quốc gia, sử dụng các cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021 về sức khỏe và hạnh phúc trong đại dịch. Trên toàn thế giới, phụ nữ có tỷ lệ mất việc làm cao hơn nam giới kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đến tháng 9 năm 2021, có 26% phụ nữ và 20% nam giới báo cáo mất việc trong thời gian xảy ra đại dịch.
Tiến sĩ Luisa Flor, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các tác động kinh tế ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới ở một số quốc gia vì phụ nữ có xu hướng làm việc trong các lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn bởi Covid-19, như ngành khách sạn hoặc giúp việc nhà. Hơn nữa, chuẩn mực xã hội ở nhiều quốc gia quy trách nhiệm chăm sóc gia đình và trông con cho phụ nữ, một điều làm giảm thời gian và khả năng tham gia lao động được trả lương của họ".
Phụ nữ có xu hướng bỏ công việc được trả lương để chăm sóc người thân cao hơn nam giới, với mức chênh lệch ngày càng tăng theo thời gian. Vào tháng 3 năm 2020, tỷ lệ này ở phụ nữ so với nam giới là 1,8 nhưng đến tháng 9 năm 2021, con số này đã tăng lên gần 2,4. Hơn một nửa người được hỏi cho biết các công việc không được trả công như việc nhà và chăm sóc người thân tăng lên trong đại dịch, đa phần dồn lên vai người phụ nữ.
Trên toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng bỏ học nhiều hơn nam giới và trẻ em trai. Khoảng chênh lệch giới lớn nhất là ở Trung Âu, Đông Âu và Trung Á, nơi phụ nữ bỏ học nhiều gấp 4 lần nam giới. Nhìn chung, 54% phụ nữ và 44% nam giới cho biết họ nhận thấy bạo lực giới gia tăng trong cộng đồng trong đại dịch.
Rosemary Morgan thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta càng tiến xa hơn trong đại dịch này, chúng ta càng cảm thấy tình trạng bất bình đẳng giới trầm trọng hơn và mọi tiến bộ trước đại dịch về bình đẳng giới sẽ bị đảo ngược".
(Nguồn: The Guardian)