Viễn cảnh kinh tế suy thoái của vùng Nam Á-Thái Bình Dương

Cú sốc kinh tế từ đại dịch

Lo ngại suy thoái kinh tế đang lan rộng trong những tuần gần đây khi Covid-19 xuất hiện ở khắp châu Á-Thái Bình Dương, buộc chính phủ nhiều nước áp lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa toàn bộ cơ sở kinh doanh và nhà máy để ngăn dịch bệnh. Khủng hoảng ở khu vực này đặc biệt nguy hiểm vì đã trải qua nhiều tháng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn khu vực có thể tụt xuống 2,1% trong năm 2020, so với mức 5,8% của năm 2019.

Trung Quốc, nơi khởi phát Covid-19, có thể chứng kiến đà tăng trưởng chỉ còn 2,3% trong năm 2020. Trong trường hợp xấu nhất, kinh tế nước này sẽ gần như chững lại với tăng trưởng 0,1% so với 6,1% của một năm trước đó. 

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đầu tàu tăng trưởng thương mại toàn cầu nên mọi biến động với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới. 

"Thiệt hại thương mại là không thể tránh khỏi ở mọi quốc gia. Toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương nên chuẩn bị những tác động nghiêm trọng tới an sinh xã hội, trong đó có nguy cơ mất thu nhập, nghèo đói, bệnh tật và chết người", báo cáo WB đề cập.

Những hộ gia đình nào dễ bị tổn thương

Rủi ro tương đối lớn về khả năng rơi vào nghèo đói ở các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành nghề đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của Covid-19 như ngành du lịch ở Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương. 

Ngành chế tạo chế biến ở Campuchia và Việt Nam, các hộ gia đình phụ thuộc vào việc làm trong khu vực phi chính thức ở tất cả các quốc gia cũng bị tác động lớn. Các nước sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể nguồn thu từ du lịch, đặc biệt ở những nước mà ngành du lịch chiếm trên 10% GDP như Malaysia và Thái Lan. 

Đóng cửa biên giới quốc tế và sự gián đoạn trong ngành hàng không hoặc vận tải biển cũng sẽ đặt ra những thách thức cho xuất khẩu. Từ đó, cú sốc từ dịch Covid-19 có thể khiến hàng triệu người bị mắc kẹt trong nghèo đói khủng khiếp, thu nhập có thể chỉ đạt 5,50 USD/ngày hoặc ít hơn.

Covid-19 sẽ tác động mạnh đến lao động nữ

Theo cảnh báo của WB, sự sụp đổ kinh tế sẽ chứng kiến gần 24 triệu người trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương không thể thoát nghèo năm 2020, trong khi sẽ có thêm 11 triệu người bị nghèo hóa. WB dự báo rằng tỷ lệ nghèo có thể tăng gấp đôi trong các hộ gia đình dễ bị tổn thương

Cần khẩn trương khắc phục tình thế

Tỷ lệ đói nghèo và khả năng phục hồi kinh tế ở những nước châu Á sẽ phụ thuộc vào mức độ ngăn chặn đại dịch Covid-19. Đó là lý do tại sao các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu sớm sự lây lan của dịch bệnh là chìa khóa. 

Singapore và Hàn Quốc là những ví dụ về việc ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các quốc gia này đã có kinh nghiệm từ các dịch bệnh trước đây như dịch SARS năm 2003. Họ đầu tư vào các hệ thống giám sát và ứng phó dịch bệnh. 

Các quốc gia khác nếu sớm có thể làm theo, họ càng sớm có thể vượt qua dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Hàn Quốc chặn dịch hiệu quả

WB cam kết hỗ trợ 14 tỷ USD cho các nước đang phát triển. Các hình thức ứng phó trước mắt là cung cấp tài chính, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia đối phó với tác động y tế và kinh tế của đại dịch. 

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đang cung cấp nguồn tài chính 8 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tư nhân chịu ảnh hưởng của đại dịch và để giữ việc làm. Ngân hàng Tái thiết và phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) đang chuẩn bị gói 6 tỷ USD ban đầu để ứng phó về y tế.

WB còn giải ngân 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng để bảo vệ những người nghèo và dễ tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp và đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Quỹ dân số LHQ gửi hàng hỗ trợ đến Trung Quốc

WB kêu gọi chính phủ các nước cần phải thực hiện một loạt các biện pháp để ngăn chặn tác động của đại dịch đến công dân của họ cũng như khẩn trương chặn đứng sự gia tăng nghèo đói càng nhiều càng tốt. Những biện pháp bao gồm trợ cấp nghỉ ốm, hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng. 

Một khuyến nghị chính sách nữa là nới lỏng tín dụng để giúp các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót qua cú sốc trước mắt. Cần bơm thanh khoản để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì hoạt động kinh doanh. Đó là cách đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về vốn nhân lực. 

Mặt khác, các quốc gia cần hỗ trợ lẫn nhau trong những thời điểm khủng hoảng. Đó là giữ cho thương mại toàn cầu mở, phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô, chia sẻ việc cung cấp các sản phẩm y tế quan trọng hoặc thậm chí loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm y tế này. 

Theo WB, ngoài các hành động khẩn cấp của quốc gia, hợp tác quốc tế là liều vaccine hiệu quả nhất chống lại mối đe dọa của dịch bệnh, tạo thuận lợi để khu vực phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Tính đến 22h ngày 2/4, dịch Covid-19 đã lan rộng ra 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên toàn cầu đã có 940.738 người mắc virus, 47.518 người tử vong.

Nhu Thụy (Nguồn: WB, CNN)