Thông tin được đưa ra trong báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 31/3, trong đó cảnh báo châu Á - Thái Bình Dương có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt hơn 20 năm qua.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn khu vực có thể tụt xuống 2,1% trong năm 2020, so với mức 5,8% của năm 2019. Tuy nhiên, đây chưa phải tình huống xấu nhất theo nhận định của tổ chức này.

Trung Quốc, nơi khởi phát Covid-19, có thể chứng kiến đà tăng trưởng chỉ còn 2,3% trong năm 2020. Trong trường hợp xấu nhất, kinh tế nước này sẽ gần như chững lại với tăng trưởng 0,1% so với 6,1% của một năm trước đó.

Người cao tuổi Hong Kong nhận đồ ăn miễn phí hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Người cao tuổi Hong Kong nhận đồ ăn miễn phí hôm 27/3. Ảnh:AFP.

Điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Lần gần đây nhất Bắc Kinh chứng kiến mức độ sụt giảm như vậy là năm 1976, khi lãnh đạo Mao Trạch Đông qua đời. Tình hình hiện nay đã khác xa khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là đầu tàu tăng trưởng thương mại toàn cầu. Mọi biến động với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới.

"Thiệt hại thương mại là không thể tránh khỏi ở mọi quốc gia. Toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương nên chuẩn bị những tác động nghiêm trọng tới an sinh xã hội, trong đó có nguy cơ mất thu nhập, nghèo đói, bệnh tật và chết người", báo cáo có đoạn viết.

Các thống kê trên chỉ mang tính dự báo và có thể thay đổi, nhưng vẫn cho thấy nguy cơ thiệt hại kinh tế và yêu cầu gấp rút ứng phó. "Mọi quốc gia trong khu vực cần nhận ra hành động mạnh mẽ và hợp tác quốc tế sâu rộng chính là vaccine hiệu quả nhất để chống lại mối đe dọa này", báo cáo của WB có đoạn.

Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ 14 tỷ USD cho các nước đang phát triển, cũng như giải ngân 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng để bảo vệ những người nghèo và dễ tổn thương.

Lo ngại suy thoái kinh tế đang lan rộng trong những tuần gần đây khi Covid-19 xuất hiện ở khắp châu Á, buộc chính phủ nhiều nước áp lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa toàn bộ cơ sở kinh doanh và nhà máy để ngăn dịch bệnh.

Hàng quán đường phố đóng cửa tại Bangkok, Thái Lan hôm 30/3. Ảnh: AFP.

Hàng quán đường phố đóng cửa tại Bangkok, Thái Lan hôm 30/3. Ảnh:AFP.

Khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt nguy hiểm vì khu vực này đã trải qua nhiều tháng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. "Đà tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ suy giảm trong mọi kịch bản dự đoán", báo cáo cho hay.

Indonesia, Papua New Guinea và Philippines sẽ chịu tác động lớn nhất, trong khi Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Myanmar là những nước được dự đoán sẽ duy trì tăng trưởng dù thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Các nước sẽ chứng kiến sụt giảm đáng kể nguồn thu từ du lịch, đặc biệt ở những nước mà ngành du lịch chiếm trên 10% GDP như Malaysia và Thái Lan. Đóng cửa biên giới, gián đoạn ngành hàng không và vận tải biển cũng là thách thức lớn với những nước mạnh về sản xuất và xuất khẩu.

Hàng triệu người có thể rơi vào tình trạng đói nghèo với thu nhập dưới 5,5 USD/ngày ở những nước có nền kinh tế yếu hoặc đang phát triển. 24 triệu người châu Á - Thái Bình Dương có thể không thoát khỏi nghèo đói như dự báo của WB, trong khi sẽ có thêm 11 triệu người bị nghèo hóa.

Những dự báo này gần như trái ngược hoàn toàn với dự báo của WB trước đại dịch, trong đó ước tính 35 triệu người sẽ thoát nghèo tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020, bao gồm hơn 25 triệu người ở riêng Trung Quốc.

Thế giới ghi nhận hơn 870.000 ca nhiễm nCoV và hơn 43.000 người chết tại 202 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc là những nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Á.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.766 ca nhiễm và 43 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 136 người chết trong 1.528 người nhiễm, tỷ lệ tử vong gần 9%. Nhiều chuyên gia lo ngại hệ thống y tế Indonesia có nguy cơ "sụp đổ" do thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc đặc biệt nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Theo vnexpress