Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, nhưng tâm dịch mới của toàn cầu lại là Mỹ và châu Âu, khiến những người châu Á lo lắng về đại dịch quyết định hồi hương. Gần như ngay lập tức, số ca nhiễm nCoV bắt đầu tăng đột biến tại các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, thường là những hành khách tại sân bay.
Hong Kong, nơi số bệnh nhân mới hàng ngày không vượt quá 10, đột nhiên ghi nhận thêm 65 ca nhiễm nCoV trong vòng 24 giờ. Số ca nhiễm tại Nhật Bản, nơi dịch bệnh tương đối trong tầm kiểm soát, cũng tăng nhanh từ tháng trước và tập trung ở thủ đô Tokyo khi hành khách từ nước ngoài đổ về.
Nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm, chính quyền khắp châu Á đã siết chặt biên giới. Nhật Bản ban đầu chỉ cách ly các hành khách, nhưng giờ đây "cấm cửa" hầu hết người từ châu Âu và đang thảo luận thêm biện pháp kiểm dịch, bao gồm lệnh cấm hành khách từ Mỹ.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách tại sân bay Incheon, Hàn Quốc hôm 26/3. Ảnh:Reuters. |
Hàn Quốc, đất nước được toàn cầu ca ngợi vì nhanh chóng "san phẳng đường cong" trên đồ thị số liệu Covid-19, ban đầu cũng chỉ yêu cầu hành khách từ một số quốc gia cách ly, nhưng tuần này họ đã mở rộng danh sách ra toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Singapore đơn giản là đóng cửa biên giới với hầu như tất cả người nước ngoài.
"Chúng tôi tin rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tối thiểu hóa các hoạt động xuất nhập cảnh không thiết yếu là biện pháp có trách nhiệm và cần thiết, nhằm bảo vệ một cách hiệu quả cuộc sống, sự an toàn và sức khỏe thể chất của tất cả người Trung Quốc, cũng như người nước ngoài", Liu Haitao, giám đốc cơ quan kiểm soát và quản lý biên giới thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc, cho biết.
Những biện pháp kiểm soát biên giới mới của Trung Quốc đại lục buộc hầu hết hãng hàng không nước ngoài phải cắt giảm xuống còn một chuyến bay mỗi tuần. Giá vé tăng vọt và việc đặt chỗ liên tục bị hủy khiến các du học sinh tự hỏi bao giờ họ mới có thể về nhà.
Alex Fei, một sinh viên Trung Quốc tại Canada, nằm trong số những du học sinh đang vật lộn để hồi hương. Hành trình về nhà của Fei đã bị hủy hai lần, đầu tiên là khi Hong Kong cấm trung chuyển, sau đó là khi hãng hàng không bị đình chỉ đường bay thẳng từ Vancouver đến Thượng Hải. "Các sinh viên ở nước ngoài đang bó tay", Fei cho hay, nói thêm rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại Canada.
Những người được trở về châu Á thường bị giám sát chặt chẽ trong thời gian cách ly. Tại Hong Kong, hơn 200.000 người đang cách ly tại nhà phải đeo vòng giám sát, đồng thời bị theo dõi "nhất cử nhất động" thông qua một ứng dụng trên smartphone. Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 19/3 quyết định cấm tất cả người không cư trú nhập cảnh, đồng thời xét nghiệm các cư dân ngay khi họ trở về.
Các khu vực khác ở châu Á cũng sử dụng công nghệ để thực thi lệnh cách ly một cách hiệu quả. Tại Trung Quốc đại lục, những người hồi hương bị cách ly 14 ngày trong khách sạn do chính phủ chỉ định, hàng ngày gửi kết quả đo thân nhiệt cho ủy ban khu phố qua ứng dụng WeChat. Tại Đài Loan, chính quyền theo dõi bằng định vị trên điện thoại và sẽ đến tận nơi cảnh báo những người rời khỏi nhà hoặc tắt điện thoại.
Những người bị cách ly ở Singapore cũng phải chia sẻ dữ liệu định vị cho chính quyền mỗi ngày để chứng minh sự tuân thủ. Filia Lim, một công dân Singapore, cho biết các biện pháp này là vấn đề "đau đầu", bởi bà thường phải di chuyển nhiều do đặc thù công việc. Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy "biết ơn" Singapore vì sự giám sát chặt chẽ.
"Virus lây lan chủ yếu bởi mọi người không nhận ra họ có triệu chứng. Một số người còn ngang nhiên bỏ qua các triệu chứng và tương tác với rất nhiều đối tượng, bất chấp khuyến cáo tự cách ly của chính phủ", người phụ nữ 50 tuổi cho hay.
Trong một số trường hợp, chính quyền thậm chí sử dụng các công cụ tư pháp hình sự nghiêm khắc để trừng phạt những người phá lệnh cách ly. Cơ quan di trú Singapore hôm 29/3 cho biết một công dân 53 tuổi vi phạm mệnh lệnh đã bị vô hiệu hóa hộ chiếu.
Một người đàn ông Đài Loan cũng bị phạt 33.000 USD vì lén tới một câu lạc bộ trong thời gian cách ly. Trong khi đó, giới chức Nhật Bản cho biết những ai phá lệnh cách ly có thể bị phạt tù tối đa 6 tháng, hoặc nộp phạt 500.000 yên (khoảng 4.600 USD).
"Các nước thực sự đang nỗ lực chống dịch bằng cách áp dụng những biện pháp của riêng họ. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để giải quyết một vấn đề y tế toàn cầu", Kristi Govella, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii, Mỹ, cảnh báo, nói thêm rằng công tác kiểm soát đại dịch cần tới sự hợp tác xuyên quốc gia.
Hàn Quốc hiện chưa cấm hành khách từ bất cứ nơi nào, trừ tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc, làm dấy lên những chỉ trích rằng việc này đang trút gánh nặng lên khiến hệ thống y tế. Bác sĩ Park Jong-hyuk, phát ngôn viên Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho biết có thông tin người nước ngoài muốn đến Hàn Quốc xét nghiệm và điều trị, đồng thời kêu gọi cấm hoàn toàn người nước ngoài.
"Đã đến lúc thực hiện những nỗ lực nhằm bảo vệ nhau ở mức độ toàn cầu, bằng cách tiến hành cách biệt cộng đồng trên phạm vi quốc tế", ông nêu ý kiến.
Giới chuyên gia nhận định những biện pháp hiện nay trước mắt vẫn có hiệu quả, trong lúc các chính phủ đang cố gắng bảo vệ công dân. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nó có khả năng gây thiệt hại dai dẳng cho nền kinh tế toàn cầu và tâm lý chung.
"Mặc dù ưu tiên hàng đầu chắc chắn là cố gắng kiểm soát virus, mọi người cũng phải nghĩ về những cái giá rất lớn phải trả. Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, những cái giá đó chắc chắn đắt hơn", Karen Eggleston, chuyên gia tại Đại học Stanford, Mỹ, nhận định.
Sean Sierra, sĩ quan trong lực lượng Hải quân Mỹ đồn trú tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, cho biết anh vẫn chưa nhìn thấy cái kết của cuộc khủng hoảng. Sau chuyến công tác tại Singapore, anh được yêu cầu tự cách ly tại nhà ở Nhật Bản trong vòng 14 ngày.
Sau khi Sierra hoàn thành lệnh cách ly, toàn bộ căn cứ Yokosuka lại bị phong tỏa do hai binh sĩ tại đây dương tính với nCoV. "Chúng tôi sẽ mắc kẹt ở đây thêm chút nữa", người đàn ông 30 tuổi cho hay.
Theo vnexpress