Cụ Hester vẫy chào người dân lái xe qua nhà để chúc mừng sinh nhật cụ. (Nguồn: Ladbible)

 

Ladbible cho biết, các tài liệu của Cục thống kê dân số Mỹ có sự mâu thuẫn khi một số ghi nhận cụ Hester Ford sinh ngày 15/8/1904, còn một số văn bản khác lại ghi ngày 15/8/1905.

Nhưng dù sinh năm nào trong hai năm kể trên, cụ Hestervẫn đang là người cao tuổi nhất còn sống tại nước Mỹ, theo công ty nghiên cứu Gerontology.

Nếu cụ Hester sinh năm 1905, cụ là người cao tuổi thứ 6 trên toàn thế giới. Còn nếu năm sinh là 1904, cụ là người già thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau cụ Kane Tanaka (117 tuổi, người Nhật Bản) và cụ Lucile Randon (116 tuổi, người Pháp).

Ngày 15/8 vừa qua, cụ Hester đã tổ chức một buổi sinh nhật với gia đình, bạn bè và người thân. Mọi người lái xe đi qua nhà của cụ ở Charlotte, North Carolina, bấm còi và vẫy tay chào để chúc mừng cụ đón thêm một tuổi mới.

Thông thường, sinh nhật của cụ Hester sẽ được tổ chức thành một bữa tiệc ngoài trời với quy mô lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, một buổi tiệc với những chiếc xe chở khách đi qua phía ngoài nhà cụ là một ý tưởng thông minh.

Khi được hỏi về bí quyết để sống thọ, cụ Hester thường trả lời: “Tôi không biết, tôi chỉ sống đúng mà thôi”.

Cụ Hester lấy cụ John Ford năm 14 tuổi, sau đó một năm, hai người sinh con đầu lòng. Các cụ có tổng cộng 12 người con trước khi cụ John qua đời năm 1963 ở tuổi mới ngoài 50.

Các con của cụ Hester có tổng cộng 68 người con. Cụ Hester có 125 người cháu gọi mình là cụ. Tính đến nay, 125 người cháu này đã lập gia đình và có thêm hơn 120 người con, theo số liệu của Charlotte Observer.

Theo baoquocte.vn