Bà Chandro Tomar đang luyện tập môn bắn súng ngắm. Ảnh: NYT
Thoạt nhìn, bà Chandro Tomar, sống tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) cũng giống bao người phụ nữ điển hình của nông thôn Ấn Độ với vóc dáng nhỏ nhắn và những nét lao động chân chất. Tuy nhiên, ở bà có một điểm đặc biệt mà không một phụ nữ nào khác của quốc gia này có được: bà được phong danh hiệu vận động viên bắn súng lâu đời nhất trên thế giới, với hàng tá huy chương để chứng minh tài năng tuyệt nghệ của mình.
Đặc biệt hơn hết, bà Chandro Tomar còn là biểu tượng nữ quyền của Ấn Độ, thể hiện tinh thần đấu tranh cho công cuộc bình đẳng giới tại quốc gia này. Ngoài ra, bà còn là cố vấn đồng thời là huấn luyện viên cho hàng chục phụ nữ trẻ trong làng của mình ở bộ môn bắn súng trong suốt hơn 20 năm. Thậm chí, đã có một bộ phim Bollywood mang tên Saandh Ki Ankh (Bull's eyes) kể về cuộc đời của bà và người chị dâu Prakashi Tomar, đối thủ cạnh tranh của bà Chandro Tomar.
Câu chuyện "bén duyên" của bà với môn bắn súng
Lần đầu tiên tham gia môn bắn súng, bà Chandro đã ở độ tuổi 65, một độ tuổi quá lớn để bắt đầu tìm hiểu về môn thể thao này. Hơn nữa, bà là một phụ nữ, trong khi bắn súng được cho là "môn thể thao của nam giới".
Ban đầu, người ta chế nhạo hình ảnh nhỏ bé của bà trong trang phục truyền thống, váy dài và khăn trùm đầu, đặc biệt với độ tuổi đã xế chiều của mình. Khi bà tham gia các cuộc thi chuyên nghiệp, không ít khán giả và những đối thủ khác đã tỏ thái độ khinh thường và cười nhạo. Tuy nhiên, kể từ giây phút đó, bà đã khiến Ấn Độ phải nhắc đến tên bà vì những chiến thắng vang dội bà giành được.
Bà Chandro Tomar đã dành được tổng cộng 25 huy chương tại các cuộc thi cấp tiểu bang và thậm chí những cuộc thi quy mô lớn hơn và thường phải thi đấu với những tay xạ thủ chuyên nghiệp là nam giới, vốn đã trau dồi kĩ năng trong nhiều năm. Kể từ đó, bà càng trở nên nổi tiếng về kỹ năng bắn súng tuyệt đỉnh của bản thân mình.
Bộ sưu tập huy chương môn bắn súng mà bà Chandro Tomar dành được trong suốt hơn 20 năm. Ảnh: NYT
Ý nghĩa thật sự đằng sau những gì bà thực hiện được
Tuy nhiên, hơn cả sự nổi tiếng ấy, bà càng tự hào hơn vì đã mở đường cho rất nhiều phụ nữ, bao gồm những người nhà của bà Tomar, tham gia vào các hoạt động xã hội để xóa đi bản chất gia trưởng. Nhằm thể hiện vai trò người phụ nữ trong xã hội đều được tham gia tất cả các hoạt động, bao gồm lĩnh vực bắn súng mà xưa kia chỉ dành cho nam giới.
Bằng cách nào mà bà có thể thành công và khẳng định vai trò bình đẳng trong xã hội của người phụ nữ như thế? Trong một cộng đồng bảo thủ, thay vì phụ nữ phải trùm khăn kín đầu để tránh giao tiếp với nam giới lạ, bà đã đi đến từng gia đình để khuyến khích con gái họ tham gia vào môn thi đấu này.
Bà Chandro Tomar và cháu gái của mình. Ảnh: NYT
Thoạt đầu, gia đình bà Tomar cấm bà không được tiếp tục trong phạm vi này. Nhưng sau những chiến thắng mang lại; Cháu gái bà giành huy chương vàng quốc tế; Ritu Tomar trở thành vận động viên bắn súng cấp quốc gia thì đã làm náo động cả vùng quê nhà.
Cho đến những năm nay, bà Tomar đã trở thành người nổi tiếng đi khắp đất nước để tham gia các cuộc đấu súng khắp Ấn Độ. Đặc biệt hơn cả, bà còn là người diễn thuyết truyền cảm hứng về quyền bình đẳng, trao đổi về việc trao quyền cho phụ nữ. Tất cả các hoạt động bà đã làm như khẳng định vai trò của mình nói riêng và phụ nữ toàn xã hội Ấn Độ nói chung.
Có lẽ, điều thành công nhất cuộc đời của bà là đã làm được những thứ “chỉ dành riêng chon nam giới” và biến những người chế nhạo sang hâm mộ mình. Bây giờ đã gần 90 tuổi, nhưng bà vẫn khỏe mạnh “Điều quan trọng là phải duy trì hoạt động. Cơ thể bạn có thể già đi, nhưng hãy giữ cho trí óc bạn luôn nhạy bén”, đó chính là bí quyết cho sức mạnh và sự nhanh nhẹn của bà Chandro Tomar.
Phương Thanh (The New York Times)