|
|
Đàn ông Hàn Quốc ngày càng nhạy cảm với các thông điệp liên quan đến giới tính, nữ quyền. |
Nếu muốn hình đại diện cười, nói chuyện hoặc ra dấu "OK" trong game "Lost Ark", người chơi sẽ nhấp vào biểu tượng cử chỉ tay mà ngón trỏ gần như chạm vào ngón cái.
Biểu tượng này đã tồn tại nhiều năm nhưng đến tháng 8 năm nay, nó bị một số người chơi Lost Ark yêu cầu xóa bỏ vì bị coi xúc phạm, phân biệt giới tính đối với nam giới, theo CNN.
Smilegate - tác giả của "Lost Ark" và là một trong những nhà phát triển trò chơi điện tử lớn nhất Hàn Quốc - đã nhanh chóng tuân thủ các yêu cầu gỡ bỏ. Công ty đã xóa biểu tượng khỏi trò chơi và tuyên bố sẽ thận trọng hơn với "những tranh cãi không liên quan đến trò chơi" trong các sản phẩm của họ.
Trận chiến giới tính đã diễn ra ở Hàn Quốc trong nhiều năm, khiến phong trào nữ quyền bị đe dọa bởi nhóm đàn ông trẻ tuổi - những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau khi đất nước tìm cách giải quyết bất bình đẳng giới.
Hành động gây tranh cãi
Cuộc chiến trực tuyến được thổi bùng bởi một đoạn quảng cáo đơn giản lan truyền hồi tháng 5.
GS25, một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, đã phát hành quảng cáo để thu hút khách hàng đặt đồ ăn cắm trại trên ứng dụng của họ, hứa hẹn sẽ có những món miễn phí như một phần thưởng.
Quảng cáo cho thấy một ngón trỏ và một ngón cái đang kẹp thanh xúc xích. Hành động giữ đồ vật theo cách này thường được sử dụng trong quảng cáo để không làm che khuất sản phẩm, tên thương hiệu.
Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc cử chỉ này là dấu hiệu của nữ quyền, liên tưởng đến biểu tượng từng được Megalia (một cộng đồng trực tuyến nữ quyền hiện đã không còn tồn tại) sử dụng vào năm 2015 để chế giễu kích thước bộ phận sinh dục của nam giới Hàn Quốc.
Megalia đã đóng cửa nhưng logo của nó vẫn tồn tại. Hiện các nhà chống nữ quyền đang cố gắng xóa bỏ biểu tượng này.
Trước những ý kiến phản đối, GS25 đã loại bỏ bàn tay khỏi tấm áp phích. Nhưng các nhà phê bình vẫn tiếp tục "bới lông tìm vết".
Một người đã chỉ ra rằng chữ cái cuối cùng của mỗi từ có trên áp phích - "Emotional Camping Must-have Item" (tạm dịch: Vật dụng phải có cho buổi cắm trại đầy cảm xúc) - nếu ghép lại và đọc ngược sẽ gần giống "Megalia".
GS25 ngay lập tức xóa câu slogan này khỏi quảng cáo, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Mọi người đưa ra giả thuyết rằng ngay cả mặt trăng trong nền của áp phích cũng là một biểu tượng nữ quyền.
Sau nhiều lần chỉnh sửa tấm áp phích, cuối cùng GS25 quyết định bỏ chiến dịch quảng cáo, chỉ một ngày sau khi phát động.
Công ty đã xin lỗi, hứa sẽ có quá trình biên tập tốt hơn và cho biết họ đã khiển trách nhân viên chịu trách nhiệm về quảng cáo và cách chức trưởng nhóm tiếp thị.
Nhóm chống nữ quyền trực tuyến đã thành công. Các công ty và tổ chức chính phủ khác cũng sớm trở thành mục tiêu của họ.
|
|
Hàng loạt quảng cáo bị gỡ bỏ vì có ngón tay gây tranh cãi. |
Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Musinsa đã bị chỉ trích vì chỉ giảm giá cho phụ nữ, cũng như sử dụng cử chỉ tay tương tự trong một quảng cáo thẻ tín dụng.
Người sáng lập kiêm CEO Cho Man-ho đã phải từ chức sau phản ứng dữ dội.
Dongsuh, công ty Hàn Quốc cấp phép cho dòng đồ uống pha sẵn của Starbucks tại nước này, đã bị tấn công vào tháng 7 sau khi đăng tải hình ảnh những ngón tay kẹp lon cà phê.
Dù khẳng định không có ẩn ý gì, công ty đã rút quảng cáo và xin lỗi, nói rằng họ "sẽ xem xét những vấn đề này một cách nghiêm túc".
Ngay cả chính quyền các địa phương cũng bị cuốn vào cuộc chiến. Hồi tháng 8, chính quyền thành phố Pyeongtaek đã bị chỉ trích sau khi đăng tải một hình ảnh lên tài khoản Instagram cảnh báo người dân về một đợt nắng nóng.
Hình ảnh minh họa cho thấy nông dân đang lau trán và có cử chỉ tay gây tranh cãi.
Kể từ tháng 5, hơn 20 thương hiệu và tổ chức chính phủ đã loại bỏ biểu tượng ngón tay ra khỏi sản phẩm của mình. Ít nhất 12 trong số các thương hiệu hoặc tổ chức đó đã đưa ra lời xin lỗi để xoa dịu khách hàng nam.
Cuộc chiến giới tính
Theo Park Ju-yeon, giáo sư xã hội học tại Đại học Yonsei, nguyên nhân của chiến dịch chống nữ quyền là nỗi lo sợ bị tụt hậu so với phụ nữ của nam giới Hàn Quốc.
Tâm lý này gia tăng khi thị trường việc làm siêu cạnh tranh và giá nhà đất tăng chóng mặt. Trong những năm gần đây, chính phủ cũng đã triển khai các chương trình thu hút nữ giới vào lực lượng lao động.
Những người ủng hộ nói rằng chương trình cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới, nhưng một số nam giới lo lắng rằng phụ nữ đang được trao lợi thế không công bằng.
Không giống như phụ nữ, nam giới ở Hàn Quốc phải hoàn thành 21 tháng nghĩa vụ quân sự trước khi họ 28 tuổi - điều khiến đàn ông nước này cảm thấy gánh nặng và bất công.
Choi Jae-seob, giáo sư marketing tại Đại học Namseoul ở Seoul, cho biết nam giới trẻ là những người "tiêu nhiều tiền" ở Hàn Quốc. Đó là lý do các doanh nghiệp buộc phải xoa dịu họ trước tiên khi dính vào trận chiến giới tính.
Ha, sinh viên 23 tuổi, cho biết anh thường chú ý đến thông điệp giới tính của doanh nghiệp trước khi mua hàng.
"Giữa hai cửa hàng, tôi sẽ chọn nơi không ủng hộ nữ quyền", Ha, người từ chối cho biết tên đầy đủ vì cho rằng giới tính là một chủ đề gai góc, nói.
|
|
Người biểu tình Hàn Quốc cầm biểu ngữ phong trào #MeToo tại Seoul vào ngày 8/3/2018. |
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nói rằng những lời xin lỗi của các công ty khiến một số người e ngại khi nhận mình là người ủng hộ nữ quyền.
Lee Ye-rin, sinh viên đại học, cho biết cô đã là một nhà hoạt động nữ quyền từ khi học cấp hai. Nhưng trong những năm gần đây, cô không thể công khai lập trường của mình.
Lee kể rằng một bạn nữ thời trung học của cô đã bị các bạn nam khác nói xấu, quấy rối sau khi thuyết trình về chủ đề quyền phụ nữ. Vì quá sợ hãi, Lee và các bạn nữ khác chỉ có thể im lặng.
Tuy nhiên, để đối phó với các chiến dịch chống nữ quyền năm nay, một số nhà hoạt động đã dũng cảm hơn. Lời xin lỗi của GS25 khiến họ kêu gọi mọi người tẩy chay công ty.
Một số người đã chia sẻ hình ảnh họ đang mua sắm tại các cửa hàng đối thủ, sử dụng hashtag để kêu gọi mọi người không mua sắm tại GS25.
Theo zingnews