Đại học London (UCL) công bố bức ảnh một bệnh nhân tình nguyện dùng dụng cụ trợ thở do UCL phối hợp với các kỹ sư, bác sĩ và đội đua Công thức 1 Mercedes phát triển chưa tới 1 tuần - Ảnh: AFP
Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhân viên y tế toàn thế giới đang phải đối mặt giữa đại dịch COVID-19 lúc này là làm sao cứu được nhiều sinh mạng nhất, trong khi số người cần được chăm sóc tích cực tại một số nơi đã vượt quá năng lực hạ tầng y tế.
Trong cuộc chiến chống virus corona, máy thở là thiết bị y tế tối cần thiết để cứu sống những người bệnh đã ở giai đoạn hai lá phổi bị virus tấn công, tàn phá nghiêm trọng. Theo tóm tắt nghiên cứu đăng ngày 19-3 trên tạp chí y khoa JAMA, 71% người bệnh COVID-19 khi vào tới phòng hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Evergreen ở Washington sẽ phải thở máy.
Đến Mỹ, Anh cũng thiếu, hiếm máy thở
Tại Mỹ - quốc gia hiện có số người bệnh COVID-19 cao nhất thế giới, Hiệp hội Hồi sức cấp cứu Hoa Kỳ (SCCM) ước tính có khoảng 960.000 người bệnh trong nước có thể phải dùng máy thở trong đại dịch. Còn theo phân tích của Công ty Needham (Mỹ), số máy thở nước Mỹ cần dùng trong dịch bệnh COVID-19 có thể lên tới 750.000.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ có khoảng 200.000 máy thở, cũng theo ước tính của SCCM. Nhưng trang Marketwatch đưa ra con số ước tính chỉ là một nửa: 100.000 chiếc. Khoảng một nửa trong số ước tính của SCCM là những loại máy đời cũ, có thể không đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu điều trị người bệnh nặng.
Bên cạnh đó, nhiều máy thở cũng đang được đưa vào sử dụng hỗ trợ hô hấp cho những người bệnh không phải COVID-19. Tình trạng khan hiếm là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và thống đốc bang New York Andrew Cuomo từng tranh luận nảy lửa về việc tiếp cận nguồn máy thở trong kho dự trữ của liên bang.
Tại Anh, số máy thở còn ít hơn nữa. Đài Al Jazeera dẫn thông cáo của Bộ Y tế quốc gia cho biết Anh chỉ có 8.175 máy thở. Trong khi đó, Chính phủ Anh tin sẽ cần tới 30.000 thiết bị này ở giai đoạn đỉnh dịch. Theo Reuters, khoảng 8.000 máy thở khác đặt mua từ các nhà sản xuất quốc tế dự kiến chuyển tới Anh trong vài tuần tới.
Tình trạng thiếu máy thở còn đặc biệt nghiêm trọng hơn tại những nước có hệ thống y tế hạn hẹp. Tại Mali, quốc gia Tây Phi này với 19 triệu dân nhưng chỉ có 56 máy thở.
Một máy trợ thở cho bệnh nhân COVID-19 ở Vannes, Pháp - Ảnh: Reuters
Dồn nguồn lực sản xuất
Các nhà sản xuất máy thở đang phải tăng sản lượng ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã chặt đứt nhiều mắt xích vận chuyển cũng như nguồn cung các linh kiện thiết yếu như ống thở, van, động cơ và bảng mạch điện tử. Một vài linh kiện trong đó được sản xuất tại Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên.
Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện nay, công ty nào cũng phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 công suất bình thường. Một trong các nhà sản xuất máy thở lớn nhất thế giới, Công ty Hamilton Medical AG có trụ sở tại Thụy Sĩ, đặt mục tiêu nâng sản lượng lên khoảng 21.000 máy thở trong năm nay, tăng 6.000 chiếc so với 15.000 máy thở năm ngoái.
Còn Công ty Siare Engineering International Group có trụ sở tại Bologna (Ý) với 25 kỹ thuật viên quân đội tham gia lắp ráp các máy hi vọng sẽ tăng gấp 3 sản lượng máy thở hằng tháng.
Sản xuất ôtô cũng làm máy thở
Trong khi các hãng sản xuất thiết bị y tế cố gắng tìm cách đáp ứng đủ nhu cầu máy thở, các chính phủ cũng đã phải "cầu cứu" sự hỗ trợ của quân đội, đề nghị các nhà sản xuất khác tham gia sản xuất máy thở, thậm chí tính tới cả phương án dùng máy in 3D để tăng tối đa lượng thiết bị.
Theo Reuters, ngày 30-3, Chính phủ Anh đã đặt mua hơn 10.000 máy thở từ hiệp hội các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu thuộc lĩnh vực hàng không, kỹ thuật và các đội đua Công thức 1. Nhóm các công ty Airbus, BAE Systems, Ford và 7 đội đua xe Công thức 1 đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất một loại máy thở hiện có của Hãng Smiths Group là mẫu máy Smiths Medical paraPAC plus.
Trước đó ngày 16-3, Chính phủ Anh đề nghị các nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động trong nước gồm Ford, Honda và
Rolls-Royce tham gia sản xuất máy thở. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhà sản xuất trong việc góp sức vào công cuộc chống dịch COVID-19 của cả nước. Các công ty, trong đó có Rolls-Royce và Meggitt, đã phải rút bớt nhân viên từ những dự án đang triển khai để dồn thêm nhân lực đáp ứng theo lời hiệu triệu ngày 30-3 của chính phủ.
Tại Mỹ, Tổng thống Trump sau khi chỉ trích gay gắt Hãng xe hơi General Motors (GM) ngày 27-3 và đã kích hoạt cả Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để buộc hãng này sản xuất máy thở thì ngày 29-3 bất ngờ đổi sang ca ngợi công ty này vì "GM đang làm xuất sắc. Tôi không nghĩ chúng ta cần lo lắng về họ".
Trên thực tế, theo Reuters, sau những chỉ trích của ông Trump, ngày 29-3, Hãng GM cam kết sẽ bắt tay gấp rút sản xuất máy thở. Họ cũng công bố những hình ảnh cho thấy công việc sản xuất này đang diễn ra như thế nào tại nhà máy ở Kokomo, bang Indiana. Giám đốc sản xuất của GM cho biết tới mùa hè năm nay, họ dự kiến đạt năng suất 10.000 máy thở một tháng.
Những sáng kiến kiểu thời chiến
Trong khi chờ đợi nguồn cung sắp có, tìm giải pháp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các máy thở hiện có đang là lựa chọn tất yếu của bác sĩ tại những nước bị ảnh hưởng dịch nghiêm trọng.
Theo Đài CBS, các bác sĩ tại Bệnh viện Maggiore ở Parma (Ý) đã sử dụng một máy in 3D chỉnh sửa các mặt nạ của thợ lặn để kết nối chúng với nguồn oxy và trở thành mặt nạ dưỡng khí cho người bệnh COVID-19. Đó là một giải pháp khắc phục tình thế nhanh chóng mà bác sĩ Franceso Minardi, người tham gia công việc này, so sánh với cách ứng biến linh hoạt trong thời chiến.
Cũng như thế, một nhóm bác sĩ tại Ý đã dùng một máy thở cung cấp dưỡng khí cho hai người bệnh, nâng gấp đôi khả năng phục vụ của thiết bị. Mới đây, bang New York của Mỹ cũng đã công bố cho phép sử dụng một máy thở cho hai người bệnh trong bối cảnh ngày càng khan hiếm thiết bị y tế.
Những giải pháp vượt khó như thế này rõ ràng rất cần thiết. Tình thế tại Anh là ví dụ đáng suy nghĩ. Theo Đài BBC, trong khi giới chức y tế Anh ước tính trong khoảng 2 tuần tới nước này sẽ bước vào đỉnh dịch và bất chấp nỗ lực huy động của chính phủ, nhiều nhà sản xuất cảnh báo họ không thể lo đủ máy thở kịp "thời hạn chót". Như vậy, e rằng nước Anh không có đủ lượng máy thở cần thiết khi bước vào đỉnh điểm của dịch bệnh.
170 máy thở hỗ trợ California đã hỏng Theo trang Business Insider, bang California (nơi có số ca bệnh COVID-19 cao thứ 3 ở Mỹ) vừa tiếp nhận 170 máy thở từ kho dự trữ của liên bang. Tuy nhiên, trong thông báo trên tài khoản Twitter ngày 29-3, thống đốc bang này Gavin Newsom cho biết tất cả các máy đều "đã hỏng". Theo đó, thống đốc Newsom viết: "Thay vì phàn nàn, chúng tôi chất các máy lên xe rồi đem đi sửa ngay trong đêm" . Ông cũng nói theo kế hoạch, ngày 30-3 (giờ Mỹ) số máy thở này sẽ được sửa xong và đưa trở lại Los Angeles. |
Theo tuoitre