"Chúng tôi cố gắng đưa 75 người khỏi Afghanistan, bao gồm các cầu thủ và gia đình họ, để bay tới Australia", Popal nói khi đang ngồi trên khán đài của FC Nordsjaelland, đội hạng nhất Đan Mạch mà cô làm điều phối viên thương mại.
"Chúng tôi cố gắng đưa nhiều cầu thủ hơn rời khỏi Afghanistan. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đưa cầu thủ của mình ra ngoài", cô nhấn mạnh.
Cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan Khalida Popal tại san vận động Farum Park, thành phố Farum, Đan Mạch, ngày 21/12/2020. Ảnh: AFP.
Popal, 34 tuổi, từ Afghanistan tới Đan Mạch hơn 10 năm trước theo diện tị nạn. Cô không ngủ từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan, tay ôm chặt điện thoại trong lúc sắp xếp sơ tán các cầu thủ, cùng sự giúp đỡ của liên đoàn các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp FIFPro và những tổ chức khác. Trong hòm thư thoại, cô nhận được nhiều lời cầu cứu.
Từng là đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan, cô có vai trò rất quan trọng với các cầu thủ, những người đang bị sốc khi Taliban lên nắm quyền. Vài người trong số họ đã bị đe dọa, có người bị đánh đập.
"Tôi đã phải dẫn dắt đội, giúp họ thoát khỏi Afghanistan. Họ khóc lóc, tìm kiếm người bảo vệ trong vô vọng", Popal nói.
Cô giúp họ "tập hợp lại, giữ niềm tin và không bỏ cuộc. Đây là điều khó khăn nhất", cô nói, mô tả bản thân là một "người sống sót". Vì sự an toàn của các cầu thủ, cô không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về những người đang mắc kẹt ở Afghanistan.
Popal trông có vẻ mệt mỏi, nhưng đầy quyết tâm. Đối với cô, bóng đá là đam mê nhưng quan trọng hơn, nó như một công cụ giải phóng phụ nữ Afghanistan. Tất cả những gì cô học được trên sân cỏ như tình đồng đội, sự quyết tâm, kiên trì, đã trở nên hữu dụng trong những ngày qua.
"Tôi từng không được đi học, không được tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào", Popal nhớ lại tuổi thơ bị đánh cắp khi Taliban cai trị Afghanistan thập niên 1990. Cô cho hay bóng đá chính là cách những phụ nữ Afghanistan đáp trả chế độ hà khắc của Taliban thời kỳ đó.
Từ khi đội bóng đá nữ thành lập 15 năm trước, bóng đá bắt đầu phát triển nhanh ở Afghanistan. Nhưng tất cả đã biến mất chỉ sau một đêm, khi Kabul rơi vào tay Taliban.
"Chúng tôi có khoảng 3.000 đến 4.000 phụ nữ và trẻ em gái đăng ký vào liên đoàn bóng đá ở các cấp độ khác nhau. Chúng tôi có các trọng tài và huấn luyện viên nữ", Popal cho hay.
"Sau khi Kabul sụp đổ, tất cả đã biến mất. Thật buồn", cô nói. Tương lai của các cầu thủ giờ phút này là bất định. "Họ có thể chơi bóng, nhưng không được chơi với tư cách cầu thủ Afghanistan nữa, bởi đất nước sẽ không còn nữa, đội tuyển nữ quốc gia cũng chẳng tồn tại nữa".
Taliban "đã thay cờ Afghanistan, lá cờ mà chúng tôi luôn tự hào mỗi khi nhìn thấy và thi đấu vì màu cờ ấy", Popal nói. "Chúng tôi đã bị tước đoạt niềm tự hào".
Khi Mỹ rút hết quân vào hạn chót 31/8, Popal, người mà bố mẹ cũng sống ở Đan Mạch, lo sợ quê hương sẽ bị bỏ rơi và quên lãng. "Một lần nữa, người dân quê hương tôi lại sống trong thời kỳ tăm tối. Bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo nào xảy ra ở Afghanistan sẽ không còn ai đưa tin về nó nữa", cô bày tỏ.
Popal cho rằng Taliban đã chuyên nghiệp hơn trong việc phát biểu trước truyền thông quốc tế, nhưng vẫn kiên trì sử dụng tiếng nói của mình.
"Hãy sát cánh chiến đấu cùng tôi, hãy lên tiếng vì tất cả phụ nữ Afghanistan", cô bày tỏ. "Vì mỗi phụ nữ phải rời khỏi đất nước, vì mỗi phụ nữ đang cảm thấy bị phản bội và bỏ rơi".
Theo vnexpress