Đại dịch COVID-19 khiến một số cô gái trẻ phải kết hôn sớm vì cha của họ phải nghỉ làm, thất nghiệp - Ảnh minh họa: Shutterstock

Sự bất lực của các cô gái trẻ
Vào một đêm muộn, nhân viên xã hội Yu Miu-po nhận được tin nhắn từ cô S.P. - 16 tuổi, rời Hồng Kông đến Pakistan hồi tháng Ba với gia đình, khi đợt dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

S.P. phàn nàn rằng, cha mẹ đã ép buộc cô và em gái 14 tuổi phải kết hôn và họ đã chọn hai cháu trai của ông để làm rể. S.P. nói rằng cô không muốn kết hôn với một người mà cô hầu như không biết, nhưng không có lựa chọn nào khác. “Họ nghĩ tôi quá hư hỏng vì tôi sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông” - cô viết trong tin nhắn.

Bị giam giữ ở nhà, S.P. cho biết, sự phản kháng của cô đã dẫn đến những cuộc cãi vã với cha và thậm chí cô bị cha đánh đập. “Tôi bị chấn thương và không còn phản kháng nữa. Chúng tôi không thể thay đổi nó, đó là số phận của chúng tôi” - cô nói khi gia đình chuẩn bị hôn nhân cho chị em cô.

Yu đã bị sốc khi nghe tin này, bởi S.P. là học sinh đứng đầu lớp nhưng lại bị buộc thôi học để kết hôn. Yu cho biết, S.P. không phải là nạn nhân duy nhất bị cưỡng hôn ở tuổi teen mà anh gặp trong các nhóm dân tộc thiểu số của Hồng Kông.

Hơn Mười năm làm việc với những gia đình khó khăn, anh cho biết, rất nhiều cô gái 15-16 tuổi từ các gia đình có thu nhập thấp đột ngột rời Hồng Kông, nửa năm sau quay lại thì cho biết đã lấy chồng. “Tình trạng này tồn tại từ lâu, nhưng đại dịch đã làm cho nó trở nên nghiêm trọng hơn” - Yu nói.

Ép con gái kết hôn để giảm áp lực kinh tế 

 Các nhân viên xã hội cho biết, hôn nhân ép buộc không phải là điều mới mẻ ở các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Nam Á. Nhưng khi dịch COVID-19 làm đóng cửa các trường học và một số người trụ cột mất việc làm, nhiều gia đình bắt đầu sắp xếp hôn nhân sớm cho con cái để giảm bớt áp lực tài chính.

Theo Liên Hiệp Quốc, tảo hôn là cuộc hôn nhân mà trong đó ít nhất một bên dưới 18 tuổi. Hôn nhân cưỡng bức là hôn nhân mà một trong hai hoặc cả hai người không đồng ý hoàn toàn. Tảo hôn được coi là một dạng hôn nhân ép buộc.

Nhiều cô gái trẻ bất lực trước sự ép cưới sớm của cha mẹ. Ảnh minh họa: Shutterstock

Hồng Kông có hơn 584.000 người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, chiếm 8% dân số, theo điều tra dân số năm 2016. Người Nam Á - bao gồm người Ấn Độ, Nepal và Pakistan - chiếm 14,5% tổng số các nhóm dân tộc thiểu số.

Trong sáu tháng qua, đường dây nóng của Zubin Foundation - một tổ chức tư vấn và từ thiện chuyên cải thiện cuộc sống của các thành viên dân tộc thiểu số bị thiệt thòi ở Hồng Kông - đã nhận được nhiều cuộc gọi mỗi ngày từ những phụ nữ trẻ, phàn nàn về việc bị ép kết hôn.

Shalini Mahtani - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Zubin Foundation - cho biết, đã có nhiều trường hợp như vậy vào năm ngoái, nhưng các cuộc gọi gần đây đều là người gốc Pakistan, xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp. Cô cho biết, đại dịch đã khiến nhiều cô gái trẻ phải kết hôn trong năm nay sau khi cha của họ phải nghỉ làm. “Các gia đình không muốn đối mặt với áp lực tài chính khi giữ con gái ở nhà” - bà nói.

Trong một báo cáo vào tháng 10/2020, tổ chức từ thiện Save the Children - có trụ sở tại Anh - ước tính, từ đây đến hết năm 2020, sẽ có thêm 500.000 trẻ em gái bị ép tảo hôn trên toàn thế giới do tác động về kinh tế của đại dịch, nâng tổng số trẻ em gái bị cưỡng hôn trong năm nay lên 12 triệu người.

Nam Á là vùng có nguy cơ gia tăng nạn tảo hôn ở trẻ gái, tiếp theo là ở Tây và Trung Phi, Mỹ Latinh và Caribe. Trẻ em gái ở Đông Á và Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ này.

Theo phunuonline