Hình ảnh người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ luôn là nỗi ám ảnh của thế giới

Vì sao lại là Ấn Độ?

Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới nên việc nước này bùng phát dịch mạnh mẽ kéo theo hệ quả làm tăng nhanh sự lây lan. Ngoài biến thể B.1.1.7 đã phổ biến trên toàn thế giới, các biến thể B.1.617 và B.1.618 hiện cũng đang phổ biến nhanh chóng trên khắp Ấn Độ. Các biến thể mới hơn này được cho là có khả năng lây truyền cao hơn và đã lan rộng ra hơn 20 quốc gia. 

Bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm Các nhà khoa học Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khẳng định biến thể của Ấn Độ B.1.617 là một yếu tố góp phần vào thảm họa COVID-19 diễn ra ở quốc gia này. Theo bà, B.1.617 được phát hiện vào tháng 10/2020 và WHO từng đưa B.1.617 vào danh sách những biến thể “được quan tâm” vì khả năng lây truyền nhanh hơn, gây tỷ lệ tử vong cao và giảm hiệu quả vắc-xin. Tuy nhiên, sau đó WHO đã rút biến thể này ra khỏi danh sách. Vì thế, bà Swaminathan cho biết, bà mong muốn WHO sẽ sớm nhận ra điều này.

Ngoài ra, sự gia tăng các ca nhiễm tại Ấn Độ có thể tạo điều kiện cho các biến thể mới và nguy hiểm hơn nữa phát triển và thích nghi. “Càng nhiều biến thể xuất hiện thì chúng càng có khả năng kháng các loại vắc-xin hiện tại. Trong tương lai gần, điều chúng ta cần là thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm”, bà Swaminathan nói.

Kế đến, Ấn Độ là nhà cung cấp vắc-xin và thuốc men chính trên thế giới. Ấn Độ đã đồng ý cung cấp vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua chương trình COVAX. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất remdesivir - một loại thuốc thường được sử dụng để giảm tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng của Ấn Độ sẽ làm suy yếu khả năng chống lại đại dịch của thế giới vì nhiều quốc gia sẽ mất nguồn cung cấp vắc-xin và thuốc men quan trọng.

Ấn Độ còn là nước xuất khẩu chuyên gia y tế nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Ấn Độ đã cung cấp hàng chục ngàn y tá và bác sĩ cho Mỹ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính có khoảng 69.000 bác sĩ được đào tạo tại Ấn Độ đã làm việc tại Mỹ, Anh, Canada và Úc năm 2017. 

Thế giới cần chung tay với Ấn Độ

Trước cuộc khủng hoảng và lời kêu gọi của Ấn Độ, từ cuối tháng Tư, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ ô-xy và thuốc men cho Ấn Độ. Tuy nhiên, với số ca nhiễm mới và tử vong cứ tăng cao, những gói cứu trợ vẫn chưa thể giúp đẩy lùi đại dịch trong thời gian ngắn nhất. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ và nhiều quốc gia giàu có nên chuyển tất cả các liều vắc-xin dư thừa cho Ấn Độ và các quốc gia khác có nhu cầu, bởi hiện tại, chỉ có 0,3% nguồn cung cấp 
vắc-xin COVID-19 toàn cầu được phân bổ cho các nước có thu nhập thấp. Nhiều chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ nên giúp Ấn Độ và các quốc gia khác sản xuất vắc-xin, thuốc men và vật tư. Nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, Viện Serum của Ấn Độ, đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu thô chính để sản xuất vắc-xin.

Mới đây, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế cho phép Ấn Độ và các các quốc gia khác sản xuất vắc-xin COVID-19 thông qua hợp tác tăng cường tài trợ từ các nguồn lực tổng hợp, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ từ các nhà cung cấp hiện có. Ngoài ra, cần viện trợ để các nước này có các công cụ xét nghiệm nhanh chóng và chẩn đoán cũng như giải trình tự gen cho các biến thể mới xuất hiện.

“Khi thế giới ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất, với một phần ba từ Ấn Độ, chúng ta cần chung tay và làm mọi thứ để giúp đỡ nước này nhanh chóng giảm thiểu những con số. Bên cạnh đó là mở rộng toàn cầu, hòng chấm dứt đại dịch sớm nhất có thể”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. 

Theo phunuonline