Tại quán cà phê ở Naples, Florida, nhiều khách rời đi khi một khách gốc Á vừa ngồi xuống. Một phụ nữ gốc Á bị một người đàn ông hùng hổ tiến đến, yêu cầu cô "về nước" và "cút khỏi Mỹ" khi đang mua sắm tại cửa hàng tạp hóa ở New York.
Trong năm qua Mỹ ghi nhận 3.800 hành vi thù ghét và đôi khi là bạo lực với người Mỹ gốc Á. Hôm 16/3, 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, bị sát hại ở Georgia. Cảnh sát cho biết nghi phạm là người da trắng Robert Aaron Long, 21 tuổi. Anh ta khai rằng tội ác của mình không liên quan đến chủng tộc mà vì động cơ tình dục.
Tuy nhiên, sự việc càng làm cộng đồng người Mỹ gốc Á thêm lo lắng khi số vụ tấn công nhằm vào họ tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nhiều người tin rằng đây là hậu quả từ quan điểm chống nhập cư của cựu tổng thống Donald Trump cùng việc ông miêu tả nCoV là "virus Trung Quốc"
Khi đại dịch lây lan từ Vũ Hán sang châu Âu và sau đó đến Mỹ, Trump liên tục gọi nó với những biệt danh như "virus Vũ Hán", "dịch Trung Quốc" và "kung flu" (chơi chữ từ từ kung fu).
"Tôi không bao giờ muốn nghe thêm trò phân biệt chủng tộc chết tiệt về virus này từ bất kỳ quan chức dân cử nào. Họ là đồng lõa", diễn viên kiêm nhà hoạt động George Takei viết hồi giữa tuần.
Russell Jeung, giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco, đánh giá những lời lẽ của Trump đã "phân biệt chủng tộc hóa virus với hậu quả nghiêm trọng".
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% vào năm 2020 so với năm trước, trong khi tội ác thù ghét nói chung giảm 7%. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tội ác thù ghét tăng đột biến vào tháng 3 và 4/2020 "trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm nCoV và định kiến tiêu cực với người gốc Á liên quan đến đại dịch".
Tại thành phố New York, cảnh sát chỉ ghi nhận một tội ác thù ghét người gốc Á vào năm 2019. Con số này tăng lên 28 vào năm ngoái. Nhiều vụ rất nghiêm trọng. Một cụ ông gốc Á 84 tuổi bị một thanh niên 19 tuổi tấn công ở San Francisco và sau đó qua đời. Vào tháng hai, một phụ nữ châu Á 52 tuổi bị xô ngã xuống vỉa hè bên ngoài một tiệm bánh ở Queens, New York.
Trong bài phát biểu vào tuần trước đánh dấu một năm đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ, Tổng thống Joe Biden thừa nhận các hành vi bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á là "sai trái, không phải bản chất của người Mỹ và cần phải dừng lại". Ông và Phó tổng thống đến Atlanta vào ngày 19/3 để gặp các lãnh đạo người Mỹ gốc Á.
Một loạt chính trị gia Mỹ và các giám đốc điều hành quyền lực nhất đất nước như lãnh đạo IBM và JPMorgan Chase đã lên tiếng chỉ trích bạo lực gia tăng đối với người Mỹ gốc Á. "Những hành động phân biệt chủng tộc này không thể và sẽ không được dung thứ", Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan, viết.
Elizabeth OuYang, giáo sư luật tại Đại học New York, nhận thấy những điểm tương đồng giữa tình cảnh của người gốc Á hiện tại với sự kỳ thị người Hồi giáo ở Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9. Bà lập luận rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nếu nhiều trường học ở Mỹ mở cửa trong năm nay.
Khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nói với các nhà lập pháp rằng chủ nghĩa cực đoan là mối đe dọa lớn nhất trong nước, Vivien Tsou, giám đốc Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương lập luận rằng người Mỹ gốc Á là mục tiêu của cùng một lực lượng thù hận mà người Mỹ da màu phải hứng chịu.
"Mặc dù trọng tâm là sự thù ghét người gốc Á, tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm da trắng thượng đẳng và bất cứ ai cũng có thể trở thành 'con dê tế thần' bất cứ lúc nào", Tsou nói.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, OuYang đã cảm nhận được tinh thần thù ghét người gốc Á gia tăng khi Trump nhấn mạnh quan điểm chống nhập cư. Cô đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp điều đó tại một chợ nông sản ở Brooklyn Heights, nơi cô đã sống 19 năm.
Cô đang gọt ngô gần hai phụ nữ lớn tuổi người gốc Á thì một người đàn ông da trắng trung niên đến gần và yêu cầu họ "nói tiếng Anh". "Người đàn ông rất thô lỗ", OuYang kể. Điều khiến cô vô cùng tức giận là cô là người duy nhất đứng ra bênh vực những người phụ nữ. "Tình hình sẽ còn tệ đi hơn nhiều", cô nói.
Không chỉ ở Mỹ, vấn đề này cũng xuất hiện tại châu Âu. Peng Wang, giảng viên người Trung Quốc tại Đại học Southampton, Anh, bị bốn thanh niên da trắng trong độ tuổi 20-25 tấn công trong lúc đang chạy bộ gần nhà hôm 23/2. "Vài gã điên rồ ngồi trong xe và hét lên với tôi từ phía bên kia đường", giảng viên 37 tuổi nói. "Họ nói 'virus Trung Quốc, cút khỏi đất nước này đi, đồ khốn'".
Wang quát lại nhóm thanh niên, họ lái xe đi nhưng sau đó quay lại tấn công anh, khiến Wang bị chảy máu mũi, bầm tím trên mặt và cánh tay. Vụ tấn công làm gia tăng lo ngại trong cộng đồng người Hoa ở Anh về hành vi thù ghét chủng tộc liên quan Covid-19. Tháng 3 năm ngoái, ngay sau khi Covid-19 bùng phát ở Anh, sinh viên Singapore Jonathan Mok bị một thiếu niên 16 tuổi tấn công trên đường phố London.
Số lượng hành vi phạm tội chủng tộc nhằm vào người gốc Đông Á ở Anh tăng vọt trong năm qua. Từ tháng 1 đến tháng 6/2020, cảnh sát nhận được 457 báo cáo về tội phạm có động cơ chủng tộc chống lại người gốc Hoa.
Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và London xấu đi vì luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và các vấn đề khác, nhiều người Trung Quốc ở Anh lo lắng họ có thể bị nhắm mục tiêu. Jackson Ng, ủy viên hội đồng thị trấn Buckinghamshire ở phía tây bắc London, nhận xét việc chính quyền Trump mô tả nCoV là "virus Trung Quốc" không chỉ có tác động ở Mỹ mà còn gây tác động ở Anh.
"Phân biệt chủng tộc luôn tồn tại ở Anh. Nhưng những gì đã xảy ra trong 12-15 tháng qua - những lời lẽ của một số chính phủ và việc nhiều người ở Anh trở nên căng thẳng vì mất việc hoặc con cái không thể đến trường - đã làm tình hình càng trở nên tồi tệ. Việc này hoàn toàn sai trái và cần bị lên án", Jackson Ng nói.
Ở Mỹ, nhiều người gốc Á đang tìm cách tự vệ. Jimmy Gong, chủ cửa hàng súng Jimmy's Sport ở Mineola, New York cho biết: "Ngày càng có nhiều người gốc Á tìm đến mua súng. Trước đây, chưa bao giờ có văn hóa sử dụng súng trong cộng đồng người gốc Á. Nhưng sau khi đại dịch bùng phát và các vụ bạo lực kỳ thị diễn ra, ngày càng có nhiều người châu Á mua súng để tự vệ".
Gong cho biết doanh số bán súng của ông đã tăng gấp đôi trong thời đại dịch và khoảng một nửa là từ khách gốc Á. Họ cũng mua rất nhiều bình xịt hơi cay.
Các cửa hàng súng khác trên khắp đất nước cũng đón thêm khách gốc Á. Danielle Jaymes, quản lý của Poway Weapons & Gear ở Poway, California, cho biết lượng khách hàng gốc Á mới đến cửa hàng của bà đã tăng 20% so với năm trước.
Tim Hensley, quản lý cửa hàng súng Towers Armory ở Oregon, Ohio, cho biết họ đón khoảng 5 hoặc 6 khách gốc Á mỗi ngày, so với hai hoặc ba người mỗi tháng trước đại dịch. "Họ đang cảm thấy môi trường không an toàn hơn rất nhiều và tình hình ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là với những gì vừa xảy ra", ông nói, đề cập đến vụ xả súng hôm 23/3 ở Georgia.
Ông cho biết những người lần đầu mua súng thường luyện bắn rất nghiêm túc. "Họ đang cố gắng luyện thành thạo, chứng tỏ họ cảm thấy tình thế rất cấp bách", ông nói.
Theo vnexpress