leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Đức Thắng/TTXVN) 

Ngày 3/9, tại Chùa Heungryunsa, thành phố Incheon, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo hiếu Phật lịch 2567 phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào, bà con Phật tử xa xứ hướng về quê hương cội nguồn dân tộc, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp về truyền thống hiếu đạo của dân tộc Việt Nam.

Tới dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam do bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, dẫn đầu; ông Yoo Jeong Bok - Thị trưởng thành phố Incheon; ông Yoon Sang Hyun - Nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc; ông Lý Huân - Chủ tịch Hội Người Hàn gốc Việt; Hòa thượng Chung Beop Ryun - Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Dòng Kwaneum của Phật giáo Hàn Quốc; Ni sư Thích Nữ Giới Tánh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, cùng các quan chức chính quyền địa phương Hàn Quốc, các tông phái Phật giáo Hàn Quốc, giới doanh nghiệp, Phật tử Việt Nam, Phật tử Hàn Quốc cùng đông đảo bà con người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Sau nghi lễ chào quốc kỳ Việt Nam, Hàn Quốc và ca khúc Phật giáo, Ban Tổ chức Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức tụng kinh Vu Lan Báo hiếu, Cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sỹ người Việt, cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, hương linh người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Các đại biểu khách mời và bà con Phật tử lắng nghe thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan Báo hiếu, cùng thực hiện nghi thức Bông hồng cài áo tri ân ân đức sinh thành của cha mẹ, nghi thức thắp nến tri ân, tưởng niệm anh linh các Anh hùng Liệt sỹ và cửu huyền thất tổ.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho biết ngày lễ Vu Lan báo hiếu rất có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Hàn ngày càng tốt đẹp.

Đại sứ cảm ơn sự quan tâm của các quan chức cũng như các vị tăng lữ, chức sắc và quần chúng tôn giáo người Hàn Quốc đã chăm sóc, hỗ trợ người Việt từ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa vật chất, đến lĩnh vực tâm linh, tinh thần, trong đó có các tôn giáo của người Việt.

Đại sứ khẳng định: “Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đóng góp, hội nhập vào xã hội Hàn Quốc và coi Hàn Quốc là quê hương thứ hai của mình để tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, tôn giáo."

Thị trưởng thành phố Incheon xúc động trước phong tục uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam trong Đại lễ Vu Lan và cho biết mối quan hệ Hàn-Việt ở cấp quốc gia và địa phương đã có bề dày hơn 30 năm phát triển. Ông nói: “Là thành phố quốc tế của Hàn Quốc, hiện nay Incheon có hơn 70.000 người nước ngoài, trong đó có khoảng 15.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc. Người nước ngoài ở đây là bộ phận cùng đồng hành và phát triển với dân số thành phố Incheon của chúng tôi."

Hòa thượng Chung Beop Ryun - Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Dòng Kwaneum của Phật giáo Hàn Quốc kiêm Cố vấn Thường trực Tổng hội Phật giáo thành phố Seoul, trụ trì Chùa Heungryunsa, phát biểu: “Người Hàn Quốc cần phải trân trọng các cô dâu trong các gia đình đa văn hóa nói chung cũng như cô dâu người Việt nói riêng. Nhân buổi lễ hôm nay với các vị chính khách người Hàn Quốc, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn các cô dâu trong các gia đình đa văn hóa đã giúp cho đất nước Hàn Quốc khắc phục được vấn đề dân số giảm, bù đắp cho sự thiếu hụt về dân số của Hàn Quốc cho các thế hệ tương lai."

Chứng kiến hoạt động tôn giáo của Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, bày tỏ cảm ơn Nhà nước, Chính phủ Hàn Quốc, Phật giáo Hàn Quốc đã luôn quan tâm và giúp đỡ cho các hoạt động của Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc. Bà mong muốn quý Phật tử người Việt Nam tại Hàn Quốc sát cánh cùng nhau trong cuộc sống cũng như trong con đường tu tập để đi xa, phát triển và thành công hơn nữa.

Bà Trần Thị Minh Nga nói: “Mong quý Phật tử đồng bào Việt Nam tiếp tục gắn bó, đồng hành, chia sẻ trong ngôi nhà chung của Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc, cùng Ni sư Thích Nữ Giới Tánh tuân thủ luật pháp nước sở tại, có trách nhiệm đóng góp xây dựng đất nước Hàn Quốc và luôn hướng về quê hương Tổ quốc."

leftcenterrightdel
Hòa thượng Chung Beop Ryun - Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão dòng Kwaneum của Phật giáo Hàn Quốc kiêm Cố vấn thường trực Tổng hội Phật giáo thành phố Seoul, trụ trì Chùa Heungryunsa, phát biểu. (Ảnh: Đức Thắng/TTXVN) 

Ông Lý Huân - Chủ tịch Hội Người Hàn gốc Việt, cho biết năm 1226, Hoàng tử Lý Long Tường đã đến Hàn Quốc và ông là hậu duệ đời thứ 32 của Hoàng tử Lý Long Tường. Ông nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Incheon. Tôi có nhiều kỷ niệm ở thành phố và tôi thường đi lễ chùa. Tôi rất vui khi Đại lễ Vu Lan được tổ chức tại Chùa Heungryunsa và mong muốn không chỉ đất nước, con người, văn hóa mà Phật giáo Việt Nam cũng càng ngày càng phát triển."

Vu Lan là ngày lễ lớn trong đạo Phật. Với truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của đạo Phật đã hòa nguyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hình thành Lễ hội Vu Lan Báo hiếu. Mùa Vu Lan Báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Đại lễ Vu Lan Báo hiếu được Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức vào Chủ nhật, ngày nghỉ cuối tuần, phù hợp với điều kiện của bà con Phật tử, đồng bào người Việt tại Hàn Quốc. Buổi lễ kết thúc với Chương trình Nghệ thuật Giao lưu Văn hóa Việt-Hàn./.

Theo vietnamplus