Mua Vu Lan, nghi ve nghe
 Nhiều thanh niên Trung Quốc chọn ở nhà và được trả lương để chăm sóc cha mẹ thay vì làm một công việc toàn thời gian truyền thống. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Lễ Vu Lan là ngày lễ quan trọng của Đạo Phật, xuất phát từ tích tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì thế, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, nhắc nhở mỗi người nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục của các bậc sinh thành.

Không chỉ tại Việt Nam mà người dân nhiều vùng ở Trung Quốc cũng đón lễ Vu Lan vào rằm tháng Bảy âm lịch với những tục lệ riêng. Trong dịp này, tín đồ Phật tử ở Trung Quốc còn làm các việc phước thiện như bố thí, phóng sinh... để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.

Việc con cái hiếu thuận, chăm sóc cha mẹ vốn dĩ là điều hết sức bình thường, tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc làm con đang có xu hướng trở thành một nghề được trả lương.

Được trả tiền để "làm con toàn thời gian"

Theo South China Morning Post (SCMP), ở tuổi 40, quá mệt mỏi với công việc, chị Nianan đã nghỉ làm và trở thành 'con gái toàn thời gian' của bố mẹ. Chị nhận được 4.000 nhân dân tệ (khoảng 13,2 triệu đồng) mỗi tháng và công việc của chị là dành thời gian cho bố mẹ, đưa họ đi chơi và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hằng tháng.

Với việc dành trọn vẹn thời gian chăm sóc bố mẹ, Nianan cho rằng mình đang làm một nghề “ngập tràn tình yêu thương."

Trong khi đó, theo CNN, cảm thấy quá áp lực trong vai trò nhiếp ảnh gia, Litsky Li đã chấp nhận một lời đề nghị tốt hơn: nghỉ việc để trở thành một trong những người được gia đình trả tiền để ở nhà.

Li, 21 tuổi, dành thời gian hằng ngày để đi mua chợ cho gia đình ở trung tâm thành phố Lạc Dương và chăm sóc bà ngoại bị chứng mất trí nhớ. Cha mẹ cô trả cho cô mức lương 6.000 nhân dân tệ (khoảng 19,8 triệu đồng) mỗi tháng.

Li cho biết: “Tôi ở nhà là vì tôi không thể chịu được áp lực đi học hoặc đi làm. Tôi không muốn cạnh tranh gay gắt với các bạn cùng lứa. Vì vậy, tôi chọn 'trào lưu nằm yên mặc kệ sự đời," cô nói, sử dụng một cụm từ ám chỉ việc tránh những giờ làm việc mệt mỏi và các giá trị gia đình truyền thống để theo đuổi một cuộc sống đơn giản hơn.

Những hệ lụy

Không riêng gì Nianan hay Litsky Li, việc ở nhà làm con trai, con gái toàn thời gian đang trở thành một trào lưu khá phổ biến ở Trung Quốc.

Trên Xiaohongshu, nền tảng chia sẻ lối sống của giới trẻ phổ biến nhất ở Trung Quốc, hiện có hơn 40.000 bài đăng với hashtag “con trai và con gái toàn thời gian."

Đa số ở độ tuổi 20, họ cho rằng họ khác với những người đã cố gắng hết sức để thăng tiến trong sự nghiệp và thường làm rất ít việc nhà mặc dù vẫn phải nhờ gia đình giúp đỡ về tiền thuê nhà và các chi phí khác. Những người này dành thời gian bên bố mẹ và làm việc nhà để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính.

Li, người được gia đình ủng hộ quyết định nghỉ việc để "làm con toàn thời gian," cho biết: “Nếu nhìn chúng tôi từ một góc độ khác, chúng tôi không khác gì những người trẻ đang có việc làm."

Xu hướng "làm con toàn thời gian" xuất hiện do nhiều người trẻ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng của thị trường lao động cạnh tranh. Nhiều nhân viên cảm thấy quay cuồng với guồng quay “996” - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần - và không có thời gian chăm lo cho bản thân cũng như gia đình.

Cùng với đó, xu hướng này cũng xuất phát từ tình trạng thanh niên thất nghiệp. Theo báo cáo, tình trạng thất nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng lên, đặc biệt là sau ba năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dữ liệu gần đây nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu.

Mua Vu Lan, nghi ve nghe
 Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, đa phần những trường hợp "làm con toàn thời gian" như Nianan rơi vào các gia đình dư dả tài chính, bố mẹ có điều kiện để giúp con cái đỡ vất vả. Theo thống kê, những người "làm con toàn thời gian" được trả gần 8.000 nhân dân tệ mỗi tháng và đây là mức lương trung bình ở Trung Quốc.

Thực tế, không riêng ở Trung Quốc mà tại Nhật Bản cũng có "nghề cho thuê người thân." Một công ty ở Nhật Bản cho phép mọi người thuê chồng, vợ, chị gái hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình mà họ muốn.

Ishii Yuichi, một người đàn ông Nhật Bản, thành lập Công ty Family Romance vào năm 2010. Anh cho biết anh nảy ra ý tưởng này khi mới 24 tuổi, sau khi nghe tin bạn mình - một bà mẹ đơn thân - gặp khó khăn trong việc xin cho con vào trường mẫu giáo.

Và nhiều năm sau, công ty nhận được hơn 200 yêu cầu thuê mỗi tháng. Công ty cũng tự hào về tỷ lệ hài lòng 98% từ những người sử dụng dịch vụ.

Ishii giải thích rằng sự cô lập trong xã hội ngày càng tăng lên, có nhiều người không thể chịu được sự vắng mặt của một số thành viên trong gia đình nên họ đành tìm kiếm các phương pháp thay thế.

Đối với Ishii, mục đích của việc cho thuê gia đình là để “xoa dịu nỗi khổ" và bản thân anh cũng cảm thấy không vui khi loại dịch vụ này bỗng nhiên trở nên cần thiết trong xã hội.

Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều hệ lụy nếu trào lưu "làm con toàn thời gian" hay phong trào "nằm yên" của nhiều người trẻ kéo dài. Nó cho thấy một lượng lớn thanh niên không thể tìm được việc làm và nhiều người trẻ phải đối mặt với những vấn đề sinh tồn cơ bản. Cũng có ý kiến lo ngại liệu những người "làm con toàn thời gian" có bị mất động lực quay trở lại thị trường lao động sau khi đã rời bỏ công việc quá lâu hay không.

Báo cáo của Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng khoảng 16 triệu thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc đang "làm con toàn thời gian."

Mua Vu Lan, nghi ve nghe Ảnh minh họa.

Theo tiến sỹ xã hội học Chu Vân, tại Đại học Michigan, quyết định trở thành "những đứa con toàn thời gian" của nhiều người trẻ là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc đang thay đổi.

Tiến sỹ Chu Vân nhận định: “Chúng tôi nhận thấy những thay đổi trong niềm tin và giá trị về cách các cá nhân nhìn nhận công việc của chính họ."

Cũng theo tiến sỹ Chu Vân, với chính sách một con, việc "làm con toàn thời gian” là khả thi đối với những người không phải chia sẻ tài sản của cha mẹ với anh chị em. Tuy nhiên, lợi thế này cũng đi kèm với nhiều hệ lụy. Cùng với đó, việc là con một cũng đòi hỏi trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cao hơn./.

Theo Vietnam+