leftcenterrightdel
Em H.T. Hậu (dân tộc Pa Cô) và em H.T. Hằng (dân tộc Vân Kiều) là hai em gái được trao quyền đảm nhiệm vị trí của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Quyền Giám đốc Quốc gia của Plan International. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam) 

Năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tham gia chuỗi sự kiện “Trao quyền cho em gái” của tổ chức Plan International nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10). Cũng tại chương trình năm nay, Đại sứ Ann Måwe đã trao quyền "Đại sứ” cho một em gái nhằm hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này.

“Trao quyền cho em gái” được Plan International khởi xướng với mục đích tạo cơ hội giúp các em gái được trải nghiệm vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực của đời sống.

Đại sứ Ann Måwe chia sẻ: “Tham gia hoạt động “Trao quyền cho em gái” mỗi năm là cơ hội để tôi gặp gỡ và chia sẻ với những em gái tràn đầy năng lượng, là niềm tự hào của cộng đồng các em.

Đó là những em gái luôn không ngừng nỗ lực nhằm xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu; đồng thời luôn hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới mà trẻ em gái và trẻ em trai bình đẳng. Đây chính là lý do chúng tôi muốn hỗ trợ các em và góp phần ủng hộ vai trò, vị thế của trẻ em gái.”

Năm nay, em H.T. Hậu (dân tộc Pa Cô) và em H.T. Hằng (dân tộc Vân Kiều), học sinh trường Tiểu học & THCS A Túc là hai em gái được trao quyền đảm nhiệm vị trí của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Quyền Giám đốc Quốc gia của Plan International.

Các em đã trò chuyện với hai vị lãnh đạo nữ về những thách thức hai em và các bạn gặp phải trong cuộc sống, trong đó có thể kể đến vấn đề tảo hôn, kết hôn sớm. Hằng và Hậu cũng bày tỏ với bà Đại sứ cách các em vượt qua và quyết tâm góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Em Hằng rất phấn khởi khi được trao quyền đảm nhiệm vị trí Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Em cho biết: “Ở quê em, em chỉ thấy có cô giáo, có cô phó Chủ tịch xã chứ chưa bao giờ nghĩ rằng, con gái cũng có thể làm được những công việc của một Đại sứ, hay quyền Giám đốc của một tổ chức.

Hôm nay, được “trao quyền”, em cảm thấy vô cùng vinh dự và thêm phần tự tin. Em sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để trở thành một người có ích, có năng lực để tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình, đồng thời giúp đỡ những người khác, đặc biệt là những bạn gái để các bạn hiểu rằng “trẻ em gái và trẻ em trai là bình đẳng”.

Đại sứ Ann Måwe và Quyền Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Phạm Thu Ba đã cùng các em học sinh trường Tiểu học & THCS A Túc theo dõi, tham gia hoạt động truyền thông với chủ đề “Phòng chống tảo hôn, kết hôn sớm” và giới thiệu nền tảng trực tuyến Em Vui.

Đây là một nền tảng nhằm mục đích tăng cường các kỹ năng sử dụng internet và kiến thức về an toàn trực tuyến cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (10-24 tuổi) trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc buôn bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số.”

Nền tảng Em Vui là nền tảng hữu ích giúp thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tìm hiểu về quyền của mình, củng cố kiến thức và kĩ năng về an toàn trực tuyến, cũng như có năng lực tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ tiềm tàng như buôn bán người và kết hôn trẻ em.

Bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam, phát biểu: “Chúng tôi tin tưởng những hoạt động của dự án, cũng như các hoạt động trực tuyến trên nền tảng Em Vui sẽ không chỉ giúp các em học sinh cũng như thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tiếp thu kiến thức và kĩ năng an toàn trực tuyến. mà còn là cơ hội để các em tự tin phát triển bản thân, làm chủ tương lai".

Cùng ngày, Đại sứ Ann Måwe đã đến thăm một số hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án, hộ có trẻ bảo trợ của Plan International.

 Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” hay còn được gọi là dự án Em Vui ra đời nhằm giúp trẻ em gái, trẻ em trai, nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nạn tảo hôn và mua bán người thông qua nền tảng trực tuyến Em Vui.

Dự án do Phái đoàn Liên minh châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 568/QĐ-LHHVN ngày 24/6/2020, được phối hợp thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Tổ chức Plan International tại Việt Nam.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là 17.200 trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 - 24 tại 4 tỉnh dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo baoquocte