leftcenterrightdel
 Nhiều khách mời ủng hộ ý tưởng "không tiền mừng" của cô dâu, chú rể.

Để giúp khách mời tiết kiệm, vợ chồng Chen đã gửi những tấm vé thông hành cùng thiệp mời đến bạn bè và người thân trong độ tuổi kết hôn.

Trên đó, cặp đôi mới cưới ghi thông điệp “Tình bạn là vô giá" và "Chúng tôi đã nhận được những lời chúc tốt đẹp của bạn".

Chen cho biết ý tưởng của anh và vợ nhằm đơn giản hóa đám cưới, cắt giảm những nghi lễ xa hoa khi gánh nặng tài chính ngày càng tăng do lạm phát, Qianjiang Evening News đưa tin.

Khách mời chỉ cần bỏ chiếc thẻ vào phong bì màu đỏ để thay thế tiền mặt khi đến hôn lễ. Sau này, Chen và Shi cũng có thể sử dụng lại tấm thẻ này khi tham dự ngày vui của những người nhận được.

Sự kiện trọng đại của cặp uyên ương đã diễn ra vào tuần trước ở Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.

Cách làm sáng tạo của cả hai nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, gia đình. Nhiều người cho biết giải pháp này giúp họ đỡ khó xử khi không muốn tuân thủ truyền thống gây tranh cãi của đất nước tỷ dân.

“Để không tạo gánh nặng cho nhau, vợ tôi đã đề xuất ý tưởng trên. Tôi thấy kế hoạch này khá hay”, Chen nói.

Theo phong tục, người Trung Quốc thường tặng phong bì đỏ đựng tiền trong đám cưới, đám tang, tiệc sinh nhật và các dịp quan trọng khác.

Số tiền dao động ít nhất là 50 đến vài nghìn nhân dân tệ (7 USD) tùy thuộc vào mức thu nhập và sự thân thiết với chủ tiệc.

Lấy cảm hứng từ những tấm vé xem phim, thiệp mời tự thiết kế của cặp vợ chồng Hàng Châu có 2 phần: mặt trước là tên người nhận và nửa còn lại ghi thông tin đám cưới của họ.

Tuy nhiên, Chen và Shi chỉ gửi tấm vé đặc biệt cho 20 bạn bè và những người quen cùng trang lứa. Còn những họ hàng lớn tuổi vẫn theo truyền thống và mừng phong bì tiền bình thường.

leftcenterrightdel
 Theo truyền thống, cô dâu, chú rể sẽ nhận được tiền mừng từ khách tham dự. Ảnh:Shutterstock. 

Một số khách mời gọi đây “phát minh của thế kỷ 21” và cho rằng nên được phổ biến toàn quốc.

“Vợ chồng tôi nghĩ rằng cả hai đã có một đám cưới hoàn hảo. Mọi người đều vui vẻ và chúng tôi nhận được rất nhiều lời chúc tốt đẹp”, Chen bày tỏ.

Lễ cưới thường là dịp người Trung Quốc sẵn sàng chi đậm vì đây được coi là ngày trọng đại của cuộc đời.

Trong một chiến dịch tiết kiệm diễn ra trên toàn quốc, chính phủ nước này đã ngăn chặn những hôn lễ xa hoa, đám tang bị cho là lãng phí và quá phức tạp.

Năm 2018, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã khẳng định những đám cưới hiện đại ngày càng phô trương và đôi khi gây ra các vấn đề đạo đức gây tranh cãi.

Tình trạng này “không chỉ cản trở tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ hòa thuận giữa các gia đình và sự phát triển lành mạnh của xã hội”, theo SCMP.

Theo zingnews