|
|
Làn sóng nhiệt kỷ lục khiến cuộc sống nhiều người châu Âu bị ảnh hưởng. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều người nước ngoài tới châu Âu vào cao điểm nắng nóng của mùa hè không khỏi ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những chiếc quạt máy được dùng ở nhiều nơi, ngay cả trong những nhà hàng và quán bar đông đúc. Mặc cho thời tiết oi bức và ngột ngạt, rất khó tìm ra những nơi có điều hòa, như thể nó chưa từng được phát minh.
Nhiều người dân châu Âu cho rằng việc sử dụng món đồ này là hành động lãng phí năng lượng, không tốt cho sức khỏe vì tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn và tiếng ồn của các thiết bị gây khó chịu, theo CNN.
Tuy nhiên, những đợt nóng đỉnh điểm diễn ra gần đây cùng sự tuyệt vọng vì không thể giảm nhiệt bằng những phương pháp cũ, nhiều người châu Âu đã bắt đầu nghĩ lại về thành kiến đối với những hệ thống làm mát trong nhà.
Theo ước tính, ở châu Âu, chỉ 20% căn hộ có lắp điều hòa không khí. Riêng tại Vương quốc Anh, nơi tuần trước ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, tỉ lệ là dưới 5%. Con số này ở Đức thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 3%. Những chỉ số này chênh lệch đáng kể so với mức 90% tại Mỹ.
Không chỉ Mỹ, từ năm 2000, khi nhiệt độ bắt đầu tăng ở mức đột biến, số lượng gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới sử dụng điều hòa để làm mát cũng tăng theo.
Theo công ty tư vấn - phân tích dữ liệu Kayrros, tình trạng oi bức trong năm nay đã khiến lượng mua điều hòa tăng vọt ở Pháp và Anh. Dự báo, với xu hướng này, sẽ có 2/3 số hộ gia đình trên thế giới sở hữu máy điều hòa không khí vào năm 2050.
Vòng lặp của biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019, công nghệ làm mát sử dụng cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí và các thiết bị khác chiếm tới 10% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Con số này cao hơn gấp đôi ngành hàng không và hàng hải cộng lại. Với tốc độ này, lượng khí thải từ thiết bị làm mát có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba vào năm 2100.
Việc nhiệt độ tăng vọt trong năm nay khiến nhu cầu về năng lượng cho hoạt động làm mát bao gồm cả quạt trở nên phổ biến hơn, dẫn đến lượng khí thải cũng tăng mạnh. Theo Ủy ban châu Âu, mùa hè nóng kỷ lục năm 2021 cùng với việc phục hồi sau Covid-19 là lý do khiến lượng khí thải tại Liên minh châu Âu tăng 6,3% so với năm 2020.
|
|
Người dân châu Âu thời gian qua phải liên tục cấp nước để chống lại cái nóng. Ảnh: TheJournal. |
Nói cách khác, Trái Đất càng nóng thì nhu cầu làm mát càng lớn, đặc biệt ở vùng thuộc châu Á, Trung Đông, một số nơi ở Mỹ và châu Âu.
Nhưng nguồn cung cấp điện cho nhu cầu này lại dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này khiến lượng khí thải carbon tăng lên. Lượng khí thải càng cao lại làm nhiệt độ tăng và cần làm mát nhiều hơn. Chính mối quan hệ này tạo nên một vòng luẩn quẩn và khiến mùa hè khắc nghiệt hơn.
Giải pháp
Ngoài việc phát triển các giải pháp bền vững để đối phó khủng hoảng khí hậu, châu Âu đã bắt đầu triển khai công nghệ và chiến lược để làm mát mà không khiến cho mọi thứ trở nên nóng hơn. Tuy vậy, thách thức là hầu hết sáng kiến đều liên quan đến việc phải thay đổi thói quen.
Lộ trình đầu tiên và dễ thấy nhất của kế hoạch là mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo. Một thiết bị điều hòa không khí hoạt động dựa trên các tấm pin mặt trời được gắn chặt vào mái hoặc phía trên cạnh tường nhà sẽ không gây ra khí thải carbon.
Đặc biệt, hệ thống năng lượng quốc gia sử dụng lượng lớn năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, thủy điện và các nguồn khác chắc chắn cũng sẽ tạo ra ít khí thải hơn.
Không chỉ vậy, so sánh mức giá cạnh tranh của năng lượng từ Mặt Trời, gió với giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine, năng lượng sạch có ý nghĩa về kinh tế hơn hẳn.
Ở châu Âu, các công viên năng lượng mặt trời và gió tạo ra một kilowatt điện với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với khí đốt và than đá. Do đó, việc chuyển sang năng lượng tái tạo - để làm mát cũng như mọi thứ khác - cũng là một cách tiết kiệm tiền.
Hạn chế là việc triển khai năng lượng sạch tất nhiên sẽ không làm giảm đáng kể lượng khí thải trong một đêm mà cần nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
|
|
Các tấm làm mát thụ động, không dùng điện được làm bằng vật liệu độc quyền được sử dụng để làm lạnh. Ảnh: CNN. |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một giải pháp khắc phục nhanh hơn là sử dụng các thiết bị làm mát tiết kiệm năng lượng. Hơn 80 quốc gia hiện đã có luật tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho máy điều hòa không khí.
Ngoài ra còn có các phương pháp làm mát thụ động như mở cửa sổ vào ban đêm và đóng rèm vào giữa buổi sáng. Theo một nghiên cứu, làm mát thụ động có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng điều hòa không khí đến 70%.
Hệ thống làm mát địa nhiệt, kiến trúc thông minh hay hệ thống làm mát bằng nhiệt năng lượng mặt trời cũng đều có thể là một trong các giải pháp cho sự nóng lên toàn cầu.
Theo zingnews